Dân Việt

Tại sao Thành Cát Tư Hãn lại nhẫn tâm giết chú chim ưng cứu mạng mình?

PV 10/01/2025 09:30 GMT+7
Là 1 vị tướng bách chiến bách thắng, dĩ nhiên Thành Cát Tư Hãn có nhiều vũ khí bí mật mà 1 trong số đó là chú chim ưng trung thành mà ông luôn mang theo bên mình.

Chuyến đi săn định mệnh của chú chim ưng

Một buổi sáng, Thành Cát Tư Hãn đi săn cùng các thuộc cấp của mình. Họ mang đủ loại mũi tên và cung tên, nhưng ông thì chỉ mang theo một con chim ưng mà ông rất mực yêu quý.

Ông biết rằng con chim ưng này còn tuyệt vời hơn bất kỳ mũi tên nào, vì nó có thể bay vút lên trời và nhìn được những thứ mà con người không thể nhìn thấy.

Thế nhưng, dù rất nỗ lực, hôm đó đoàn đi săn vẫn không thu về được kết quả gì.

img

3 lần uống nước bị phá đám, Thành Cát Tư Hãn rút kiếm kết liễu chim ưng rồi hối hận khi biết lý do. Nguồn ảnh: Sohu.

Vô cùng thất vọng, Thành Cát Tư Hãn và các thuộc cấp trở về địa điểm cắm trại của họ. Không muốn để sự bực bội của mình ảnh hưởng đến những người khác, Thành Cát Tư Hãn mang theo con chim ưng đi ra ngoài đi dạo.

Lang thang trong rừng lâu hơn dự kiến, Thành Cát Tư Hãn đột nhiên cảm thấy mệt mỏi và khát nước, vì thế mới đi tìm nước uống. Thế nhưng, đang là mùa hè, cái nắng chói chang khiến cho các dòng suối trở nên khô cạn, và việc tìm nước trở nên rất khó khăn.

Đang chán nản, bỗng Thành Cát Tư Hãn nhìn thấy ở tảng đá trước mặt ông có một dòng nước chảy ra. Ông liền bỏ cái cốc bạc luôn mang theo bên mình ra để hứng lấy nước uống.

Và bài học từ một trong những quyết định đáng tiếc nhất đời mình của Thành Cát Tư Hãn

Tuy nhiên, ngay trước khi Thành Cát Tư Hãn đưa cốc nước lên môi chuẩn bị thỏa mãn cơn khát thì con chim ưng đột nhiên bay từ trên cao xuống đâm sầm vào cái cốc bạc, khiến cho nó rơi xuống nền đất và đổ hết nước ra ngoài.

Thành Cát Tư Hãn rất giận, song nghĩ chắc con chim ưng cũng khát nước nên mới nôn nóng như vậy. Ông cho qua và lại nhặt cái cốc lên, lau sạch nó rồi tiếp tục hứng lấy nước.

Lần thứ hai, khi cái cốc chỉ được hứng đầy một nửa, con chim ưng lại tấn công cái cốc, khiến cho nước đổ hết ra ngoài.

Thành Cát Tư Hãn rất yêu quý con chim, thế nhưng, ông không thể cho phép nó hay bất kỳ một thuộc cấp nào dám có hành động bất kính như vậy với mình. Vả lại, nếu nhỡ có ai chứng kiến được cảnh tượng này, họ sẽ cười vào mũi ông, vì một thủ lĩnh, một bậc quân vương đứng đầu đế chế rộng lớn nhất thế giới như ông mà lại không thể dạy dỗ được một con chim hay sao? Vậy còn ra thể thống gì nữa?

Nghĩ vậy, Thành Cát Tư Hãn tuốt kiếm ra khỏi vỏ, nhìn con chim bằng con mắt cảnh cáo, rằng nếu nó tiếp tục hành động vô lễ như trước thì nó sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt cao nhất. Ông tiếp tục nhặt cái cốc bạc lên, rửa sạch và lại hứng nước lần thứ 3, vừa nhìn dòng nước, vừa canh chừng con chim ưng.

Thế nhưng, ngay khi ông chuẩn bị uống nước thì con chim cố chấp vẫn tiếp tục bay đến cố tình làm đổ cái cốc, khiến nước văng hết ra ngoài, và chỉ trong tích tắc, lưỡi kiếm của Thành Cát Tư Hãn đã đâm xuyên qua ức con chim.

Đúng lúc đó, dòng nước cũng ngừng chảy.

Vì đang khát nước nên Thành Cát Tư Hãn đã trèo lên tảng đá trước mặt, xem xem dòng nước rốt cục từ đâu chảy ra, xem có thể tìm được nguồn nước nào ở trong đó để uống không.

Và khi trèo được lên trên, đi vào phía trong, ông đã rất kinh ngạc khi thấy trong đó quả là có một vũng nước, và ở giữa vũng nước ấy là một con rắn độc nằm chết. Đây là một trong những loài rắn độc nhất của Mông Cổ, và ông biết chắc chắn là nếu lúc trước uống dòng nước từ đó chảy ra, chắc chắn ông đã trúng độc mà chết.

Vô cùng hối hận trước hành động của mình, ông quay trở ra bên ngoài, mang xác con chim ưng trở về nơi cắm trại, kể cho các thuộc cấp nghe câu chuyện, gọi thợ tạc một con chim ưng bằng vàng để tưởng nhớ đến chú chim trung thành đã quyết hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ chủ.

Trên 1 bên cánh của chú chim ưng bằng vàng, ông cho người khắc dòng chữ: Dù bạn của bạn làm điều bạn không thích, nhưng họ vẫn là bạn của bạn.

Ở bên cánh còn lại là dòng chữ: Một quyết định được đưa ra trong lúc tức giận thường sẽ dẫn tới thất bại.

Và từ đó trở đi, Thành Cát Tư Hãn cũng luôn tự lấy bài học này để răn mình trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, để không phải hối hận về sau.