Thục Hán sụp đổ, Ngụy suy tàn, vì sao Đông Ngô sống sót đến cùng thời Tam Quốc?
Năm 263 sau Công nguyên, nhà Tào Ngụy công khai phát động chiến dịch "đại quyết chiến" tấn công Thục Hán. Tư Mã Chiêu – "kẻ cầm đầu" nhà Ngụy cử "ba kiếm khách" là Chung Hội, Đặng Ngải, Gia Cát Tự chia theo ba đường tấn công vào đất Thục.
Sau khi cánh quân chủ lực do Chung Hội thống lĩnh chiếm lĩnh được phần lớn cứ điểm Hán Trung, khi đến Kiếm Môn Các thì gặp phải sự chống cự mạnh mẽ từ quân Thục, hai bên hình thành thế cục giằng co.
Khi ấy, Đặng Ngải - một thiên tài quân sự đã nghĩ ra một phương án tấn công bất ngờ, áp dụng lối đánh vu hồi, Đặng Ngải đích thân dẫn theo một đội quân đi vòng qua đường núi Âm Bình, vượt qua 700 dặm "đường không người", phá núi mở đường, tập kích Giang Du, từ đó đánh vào Miên Trúc, phá tan quân đội của Gia Cát Chiêm, công chiếm Bồi Thành, tiến vào Thành đô. Hậu chủ Lưu Thiện nghe tin hoảng loạn hoang mang, quyết định đầu hàng, Thục Hán diệt vong.
Sau khi Thục Hán diệt vong, theo lý mà nói, nhà Ngụy sẽ thừa thắng xông lên, tiêu diệt nốt đối thủ còn lại trong Tam quốc là nhà Ngô. Tuy nhiên, sau khi tiêu diệt Thục Hán, nhà Ngụy lại án binh bất động, phải đến 17 năm sau, nhà Ngụy mới quyết định tấn công nhà Ngô, hoàn thành việc đáng ra đã hoàn thành từ sớm. Nguyên nhân đằng sau sự trì hoãn ấy là gì? Nguyên nhân chủ yếu bao gồm hai yếu tố bên trong và bên ngoài.
Về nguyên nhân bên trong
Thứ nhất là sự thay đổi của chính quyền nhà Ngụy.
Mọi người đều biết rằng, Tư Mã Ý sau bao năm nhẫn nhục đã phát động sự biến lăng Cao Bình nhằm đoạt lấy chính quyền nhà Ngụy, từ đó về sau, ba cha con Tư Mã Ý trở thành những kẻ thống trị nắm quyền thực sự của nhà Ngụy.
Đặc biệt là sau khi Tư Mã Chiêu phái ba đạo quân đi tấn công tiêu diệt nhà Thục Hán, tuy rằng thực lực và lãnh thổ đều tăng lên gấp bội, nhưng Tư Mã Chiêu lại bất ngờ "chết bệnh".
Sau đó, con trai Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm thay thế cha, bộc lộ dã tâm, bức ép Hoàng đế cuối đời nhà Tào Ngụy là Tào Hoán nhường ngôi cho mình, thành lập nhà Tây Tấn, Tư Mã Viêm trở thành Tấn Vũ Đế.
Sau khi lên ngôi, một mặt Tư Mã Viêm điều chỉnh lại quan hệ các thế lực nội bộ, đồng thời củng cố gia tăng sự thống trị và quyền lực bản thân, cho nên tự nhiên không nhàn rỗi để tâm đến chuyện chinh phạt nhà Ngô.
Thứ hai là xuất phát từ việc các nguyên lão nhà Tây Tấn không ủng hộ việc tấn công nhà Ngô.
Sau khi Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm soán ngôi vua, bản thân lại không hề tốn chút tâm sức nào, hoàn toàn dựa vào thế lực do cha mình là Tư Mã Chiêu để lại mà đoạt được thiên hạ, bản thân lại chưa có chiến tích gì.
Khi mới lên ngôi, Tư Mã Viêm mặc dù rất muốn dẫn quân thảo phạt nhà Ngô, nhưng lại vấp phải sự phản đối của các nguyên lão nhà Tây Tấn mà thực ra, người này chính là vị đại thần phụ chính Giả Sung do Tư Mã Chiêu sắp xếp cho con trai mình.
Giả Sung có thể nói là bậc công thần số một của dòng họ Tư Mã. Cũng chính Giả Sung là người đã lệnh cho Thành Tế giữa thanh thiên bạch nhật công khai giết vua – giết Tào Mao. Song, vị đại thần quyền lực này lại không ủng hộ việc Tư Mã Viêm dẫn binh chinh phạt nhà Ngô.
Trên triều đình, khi Dương Hỗ là người đầu tiên đưa ra chủ ý phạt Ngô, phái nguyên lão đại thần mà đại diện là Giả Sung đã cực lực phản đối, khi hai bên tranh cãi kịch liệt, Tư Mã Viêm lại do dự không quyết, cũng không dám tùy tiện đưa ra quyết định, cho nên việc chinh phạt nhà Ngô cứ từ "tạm hoãn" rồi "trì hoãn" rồi lại "trì hoãn thật lâu".
Về nguyên nhân bên ngoài
Thứ nhất, chính quyền nhà Tây Tấn chỉ vừa mới được thành lập, thực lực vẫn còn chưa đủ để có thể dễ dàng "đấu chọi" với Tôn Quyền.
Thực lực của Đông Ngô mạnh hơn Thục Hán rất nhiều. Thục Hán chỉ có các vùng trọng yếu ở Ích Châu, quận Hán Trung, Vân Trung, còn nhà Ngô lại chiếm đóng ba châu nhà Hán là Kinh Châu, Dương Châu và Giao Châu, bất kể là về nhân lực hay quân đội đều vượt xa nhà Thục Hán, nếu Tây Tấn muốn tấn công Đông Ngô, e rằng cũng chẳng dễ như tấn công vào đất Thục.
Thực ra, khi Thục Hán bị diệt vong, nhà Ngô từng phái binh từ Giao Châu, Kinh Châu đến để tranh đoạt Vân Trung, Ba Quận. Nhà Tấn cũng cử Dương Triệu, Dương Hỗ đem quân chi viện cho Bộ Xiển.
Kết quả là, quân đội Tây Tấn bị quân đội do danh tướng nhà Ngô là Lục Kháng- con trai của Lục Tôn đánh cho phải tháo chạy trong đêm, nhà Ngô thuận lợi chiếm được Tây Lăng, giết ba đời nhà Bộ Xiển. Kết quả trận Tây Lăng cho thấy được, thực lực mạnh mẽ của chính quyền Tôn Quyền và thời cơ để nhà Tấn diệt Ngô vẫn còn chưa chín muồi.
Thứ hai là cần ổn định các thế lực bên ngoài.
Khi nhà Tấn vừa thành lập, các thế lực ngoài biên cảnh nhiều lần thừa cơ phát động bạo loạn, như phản loạn Hung Nô, Tiên Ti; các thế lực phản Tấn kiềm chế một phần binh lực nhà Tây Tấn, địa giới Thục Hán vừa giành được cũng cần phái binh đến quản lí, ổn định thế cục.
Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm nhận thấy tình thế vô cùng nghiêm trọng, bị uy hiếp rất lớn, theo như lời Tư Mã Viêm, tình hình lúc bấy giờ ứng với 10 chữ "Tuy phục Thục Ngô chi khấu, vị thưởng chí thử" (Dù nhà Ngô,Thục có trở lại, cũng chưa đến mức thế này). Phải cho đến khi danh tướng Mã Long tự mình tiến cử, dẫn quân chinh phạt Tây Bắc đại thắng, mới ổn định được biên cương phía Bắc của nhà Tấn.
Mà đã ở trong tình thế đó, nhà Tấn tất nhiên sẽ không dám "trêu chọc" đến Đông Ngô, hành động đó chẳng khác nào dẫn lửa thiêu thân, tự rước họa vào mình.
Năm 269 Dương Hựu, tướng nhà Tấn bắt đầu chuẩn bị xâm chiếm nước Ngô bằng việc xây dựng hạm đội và huấn luyện thủy quân tại Tứ Xuyên dưới quyền Vương Tuấn.
Trong thời điểm đó, một tổn thất lớn đã giáng xuống Đông Ngô. Vào năm 273 sau Công nguyên, Lục Kháng, vị tướng giỏi cuối cùng của nhà Ngô chết, nước Ngô rơi vào cảnh không còn tướng tài.
Kế hoạch xâm chiếm của nhà Tấn cuối cùng đã diễn ra vào mùa đông năm 279. Nhà Tây Tấn đã cử Đỗ Dự làm thống soái kiêm đô đốc Kinh châu chư quân sự, dẫn theo hai mươi vạn đại quân thủy bộ, chia thành sáu đường tấn công Đông Ngô.
Tư Mã Viêm ra lệnh tấn công bằng 5 cánh quân đồng thời dọc theo sông Dương Tử từ Kiến Khang tới Giang Lăng trong khi hạm đội từ Tứ Xuyên xuôi dòng tới Kinh Châu dưới sự chỉ huy của các tướng Đỗ Dự, Vương Tuấn. Trước các cuộc tấn công mãnh liệt của quân Tấn, lực lượng nhà Ngô tan rã, chỉ 4 tháng sau đó Kiến Khang thất thủ (tháng 3 năm 280), Tôn Hạo đầu hàng nhà Tấn, Đông Ngô chính thức diệt vong.
Tóm lại, sau khi Thục Hán bị diệt vong 17 năm, Ngụy Tào diệt vong 15 năm, nhà Đông Ngô mới bị diệt vong, Tây Tấn bấy giờ mới có thể hoàn thành sự nghiệp thống nhất thiên hạ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.