Thử thách "bất khả thi"
Kala Patthar, trong tiếng Nepal có nghĩa là "Đá đen" - một đỉnh núi nổi tiếng thuộc dãy Himalaya với độ cao hơn 5.600m so với mực nước biển. Đỉnh núi này thuộc miền đông Nepal, gần thị trấn Gorak Shep, trạm dừng chân cuối cùng của hành trình leo núi Everest Base Camp. Mặc dù không được xếp vào danh sách những ngọn núi cao nhất của dãy Himalaya, nhưng khí hậu tại Kala Patthar vô cùng khắc nghiệt, đặc biệt vào mùa đông (từ tháng 12 đến tháng 2). Nhiệt độ trung bình có thể xuống dưới mức -30 độ C, gió mạnh, xảy ra tình trạng thiếu oxy và nguy cơ xuất hiện những cơn bão tuyết.
Cô gái Việt Nam không chỉ vượt qua được những trở ngại này mà còn giữ được sự ổn định tinh thần và cơ thể để hoàn thành một thử thách được chính cô đánh giá là "bất khả thi".
"Từ khi bắt đầu ý định cho dự án này đến khi thực hiện chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng. Là người sinh sống trong khí hậu nhiệt đới ấm áp, cơ thể tôi rất ít khi được trải nghiệm không khí lạnh. Tôi cũng không phải là một vận động viên được huấn luyện bài bản, do đó, tôi đã tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn nhất để thực hiện thử thách này. Đối với cơ thể bình thường như vậy, thử thách này thật sự là "bất khả thi", Vashna Thiên Kim chia sẻ từ Nepal.
Hành trình thách thức
Trong điều kiện khắc nghiệt với thử thách kỳ lạ này Vashna Thiên Kim lựa chọn thực hiện hành trình chỉ với một nữ trợ lý và một Sherpa dẫn đường. Những ngày leo núi không chỉ là sự giằng co về thể lực mà còn là những bài kiểm tra tâm lý đầy căng thẳng. Vashna Thiên Kim chia sẻ, cô đã có những trải nghiệm rất đáng nhớ khi bước chân lên những con đường phủ đầy tuyết trắng trong sự bao la hùng vĩ của thiên nhiên.
Một trong số đó là việc đoàn leo núi đã phải dừng chân 3 ngày tại Tengboche để tránh trận bão tuyết lớn và không khí giảm sâu dưới -30 độ C - đây là điều mà theo chia sẻ từ những người dân bản địa là điều gần như khó có thể xảy ra ở độ cao 3.860m như vậy và nhiều năm nay đã không có bão tuyết ở khu vực này.
Bên cạnh đó, là người theo chế độ ăn Pescatarian (không thịt, trứng, sữa), với điều kiện hạn chế, cô chỉ có thể bổ sung dinh dưỡng bằng bánh mỳ khô, cháo loãng, trà nóng và đôi khi may mắn sẽ có một chút táo tươi để bổ sung trên đường đi. Điều này cũng là một thách thức rất lớn đối với việc duy trì, phục hồi thể lực và giữ ấm cơ thể trong trạng thái di chuyển liên tục leo núi mỗi ngày 8-10 tiếng.
Và đặc biệt, máy bay trực thăng cứu hộ sẽ ngừng hoạt động từ ngày 31/12 hàng năm trong một khoảng thời gian theo định kỳ. Lựa chọn trải qua những khó khăn như vậy, Vashna Thiên Kim với quyết tâm chinh phục được mục tiêu của bản thân là một câu chuyện truyền cảm hứng sống động cho những người trẻ đầy nhiệt huyết.
Nhìn thoáng qua câu chuyện của cô gái Việt Nam "liều lĩnh" này, có thể thấy thử thách ngồi thiền trên đỉnh núi tuyết không phải là chuyện quá hiếm gặp. Thế giới đã biết tới nhiều vị tu sĩ, đạo sư Tây Tạng với hình ảnh ngồi thiền định cùng những chiếc áo mỏng trong tuyết phủ lạnh giá trên Himalaya hay nhiều người có khả năng chịu đựng được lạnh vượt giới hạn con người, nổi tiếng có thể kể đến vận động viên Wim Hof người Hà Lan với biệt danh "người băng". Vậy đâu là sự khác biệt giữa thử thách lần này của Vashna Thiên Kim và những gì thế giới đã chứng kiến để có thể gọi là một thử thách "bất khả thi"?
Đó chính là điều kiện về thể chất và thời gian để đạt được nó. Thử thách này để thực nghiệm phương pháp Vashna MeenaKee và HaaMa Breath do chính cô sáng tạo nên để bù đắp sự thiếu hụt về thể chất trong khoảng thời gian ngắn để có thể chống chọi với điều kiện khắc nghiệt.
Nhiều người cho rằng việc tự đặt bản thân vào thử thách mang đầy tính rủi ro ở mức độ nguy hiểm cao, đặc biệt đối với người có bề ngoài có dáng vẻ "liễu yếu đào tơ" như Vashna Thiên Kim sẽ giống như một sự "liều lĩnh" không cần thiết hoặc "thiếu suy nghĩ". Tuy nhiên, cô đã thành công vượt qua thử thách bằng chính phương pháp của mình.
Thông qua hành động của mình, cô muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng: Chúng ta cần phải sống hòa hợp với thiên nhiên, học cách thích nghi thay vì chinh phục. Bởi lẽ biến đổi khí hậu đang làm thay đổi diện mạo của hành tinh. Những điều kiện khắc nghiệt như cô đã trải nghiệm trên đỉnh Kala Patthar đang dần trở thành hiện thực ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng chỉ chưa đầu 28 năm nữa, nhiều khu vực trên địa cầu sẽ trở nên không an toàn để sinh sống, có nơi sẽ trở nên rất lạnh và có nơi sẽ rất nóng. Khi ấy, năng lượng sẽ có thể không đủ để sử dụng vận hành những thiết bị phục vụ cho sự sinh tồn. Và nếu không có phương pháp để thích nghi, con người sẽ phải đổi mặt với những thách thức lớn lao hơn bao giờ hết.
"Bằng phương pháp Vashna MeenaKee và HaaMa Breath do tôi sáng lập, tôi đã thực chứng khả năng chống chọi và sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt với một cơ thể bình thường. Tôi mong rằng với kết quả này, các tổ chức khoa học, môi trường và y học sẽ quan tâm, cùng hợp tác nghiên cứu để hoàn thiện phương pháp này. Mang lại hy vọng ứng dụng nó trong việc hỗ trợ con người sống sót trong điều kiện sinh tồn khắc nghiệt của tương lai. Nếu cần thiết, tôi sẵn sàng thực hiện lại thử thách ở mức độ khó hơn trên đỉnh Everest", cô tâm sự.