"Nghề lạ" ở Hà Nội, cả năm chỉ làm một tháng nhưng kiếm được hàng trăm triệu đồng
"Nghề lạ" ở Hà Nội, cả năm chỉ làm một tháng nhưng kiếm được hàng trăm triệu đồng
Nam Phương
Thứ sáu, ngày 10/01/2025 09:14 AM (GMT+7)
Những ngày cuối năm, nhiều cơ sở kinh doanh lan hồ điệp bắt đầu vào vụ Tết. Đây cũng là thời điểm các thợ cắm hoa lan "hái ra tiền". Nhưng để cắm được một chậu lan đẹp là cả một quá trình lao động cả về trí óc và đôi bàn tay khéo léo.
Vẻ đẹp tinh tế, độ bền cao cùng ý nghĩa tượng trưng cho sự phú quý, may mắn và thịnh vượng đã khiến lan hồ điệp trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình trong dịp Tết. Mỗi chậu lan được chăm sóc tỉ mỉ như một tác phẩm nghệ thuật, mang đến không gian tươi mới và tài lộc cho gia chủ.
Tại Cầu Giấy (Hà Nội), thị trường hoa lan bắt đầu hoạt động sôi nổi từ tháng Chạp âm lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm nghề kết lan gia tăng thu nhập. Theo thông tin từ chị Kim Ngọc, chủ một cơ sở kinh doanh hoa lan quy mô lớn trên đường Nguyễn Phong Sắc, khoảng 20.000 cành lan thuộc nhiều chủng loại đã được nhập về nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Ngọc đã thuê ba nhóm thợ cắm lan từ nhiều vùng miền khác nhau. Hình thức trả công cũng linh hoạt, thợ chính được trả theo số cành lan đã kết, trong khi thợ phụ được tính công theo ngày hoặc theo sản phẩm. Lý giải về việc thuê thợ từ nhiều nơi, chị Ngọc cho biết mỗi vùng có một phong cách cắm lan riêng, tạo nên sự đa dạng và độc đáo cho từng tác phẩm.
Với đòi hỏi kỹ thuật cao nên chủ cửa hàng này trả công cho thợ chính theo cành hoa lan. Theo đó, tiền công thợ dao động từ 15 đến 20.000 đồng/cành lan tùy vào từng sản phẩm. Nhưng đối với những cành hoa lan cắm trên gỗ lũa thì chị trả công cao hơn, khoảng 60.000 đồng.
Trước thềm Tết Nguyên Đán, tại một cơ sở kinh doanh hoa khu Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, anh Việt Hoàng đang bận rộn cắm hoa lan. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, anh có thể cắm từ 300 đến 500 cành hoa mỗi ngày.
“Đội của tôi có 17 người, chia nhau ra cắm ở một số điểm trong nội thành Hà Nội. Với thợ cứng, chúng tôi được trả công 15.000 đồng cho một cành hoa lan được cắm”, anh Việt Hoàng nói.
Với năng suất cắm từ 300 đến 500 cành hoa lan mỗi ngày, anh Hoàng kiếm được từ 4,5 đến 7,5 triệu đồng. Anh cùng đội của mình đã đến Hà Nội làm việc từ ngày 2 tháng Chạp âm lịch và dự kiến kết thúc vào ngày 29 tháng Chạp (tức 30 Tết Nguyên đán 2025).
Anh Hoàng chia sẻ: “Với khoảng 27 ngày làm việc, tôi ước tính thu nhập cao nhất có thể đạt hơn 200 triệu đồng. Bình thường, chúng tôi làm những công việc khác, chỉ riêng dịp gần Tết mới đến Hà Nội để cắm hoa lan. Đây là thời điểm chúng tôi có thu nhập tốt nhất trong cả năm”.
Theo anh Hoàng, quy trình cắm một chậu hoa lan gồm 3 bước. Đầu tiên, người thợ cần tìm chậu cây phù hợp, phác thảo ý tưởng. Sau đó đến công đoạn vào gỗ, thép tạo dáng ban đầu cho cả chậu cây. Bước cuối cùng, người thợ cần tỉ mỉ cắm các cây hoa vào vị trí phù hợp để tạo thành tác phẩm theo mong muốn.
Do tiền công được trả theo số lượng cây hoa được cắm trong ngày nên anh Hoàng và đồng nghiệp luôn cố gắng tăng ca vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, dù làm ngày làm đêm, nhưng số lượng cây hoa được cắm cũng sẽ chỉ giới hạn trong khoảng 500 cành mỗi ngày.
“Công việc lúc nào cũng sẵn, chỉ là không có sức và thời gian để làm. Mỗi cây hoa được cắm cũng phải mất thời gian uốn nắn, tạo dáng, muốn nhanh cũng không được. Nếu có thể cắm nhiều hơn, mức thu nhập của tôi và anh em sẽ còn tăng hơn nữa”, anh Hoàng chia sẻ.
Ngoài những người thợ cứng, lành nghề như anh thì các thợ phụ, phụ trách từng công đoạn sẽ đơn giản hơn. Những người này sẽ có thu nhập thấp hơn vào khoảng 800.000 - 1 triệu đồng mỗi ngày.
Khác với anh Việt Hoàng, chị Thúy - thợ phụ cắm hoa cho một cửa hàng trên đường Bưởi, chị chia sẻ: “Tôi tính toán nếu làm việc đến gần Tết thì cũng kiếm được gần 30 triệu đồng. Tôi cũng đang tranh thủ học hỏi thêm kinh nghiệm, mong là năm sau tay nghề cao hơn thì thu nhập cũng sẽ tốt hơn”.
Chị Thúy cho biết, do giá trị của hoa lan cao nên người thợ cần phải hết sức cẩn trọng. Để có thu nhập tốt trong dịp Tết, tay nghề cao là điều kiện tiên quyết. Công việc này đòi hỏi nhiều yếu tố, không chỉ đơn thuần là sắp xếp các bầu lan vào bình.
Chị Thúy chia sẻ: “Việc cắm một bình lan đẹp không hề đơn giản như vẻ ngoài của nó, mà là cả một quá trình lao động trí óc và sự khéo léo của đôi tay. Người thợ phải hình dung trước bố cục, hình dáng của bình hoa để đảm bảo tính thẩm mỹ và nghệ thuật, tôn lên vẻ đẹp của từng bông lan".
Hơn nữa, giá trị những bình lan có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Vì thế, yêu cầu về vẻ đẹp, sự độc đáo, hài hòa lại càng cao. Người thợ phải dồn cả tâm trí, sự cẩn thận vào từng cánh hoa.
Nghề cắm hoa lan tuy vất vả nhưng bù lại người thợ có thu nhập cao. Những người thợ cũng rất vui khi tác phẩm nghệ thuật của mình được khách hàng trầm trồ, lần lượt theo gia chủ về nhà trưng Tết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.