Chị Phương Liên (23 tuổi, Nam Từ Liêm) vừa tốt nghiệp Đại học ngành Báo chí, đã trải qua 3 công ty chỉ trong vòng 7 tháng. Dù làm việc không ngừng nghỉ, nhưng đến cuối năm âm lịch, số tiền tiết kiệm của chị Liên vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
“Tôi không phải là người không có kế hoạch”, chị Liên giải thích. Ngay khi bắt đầu đi làm, chị đã đặt ra mục tiêu tiết kiệm 20% thu nhập mỗi tháng.
Tuy nhiên, do liên tục “nhảy việc” khiến chị không thể duy trì kế hoạch này. “Mỗi lần chuyển chỗ làm, tôi lại mất một khoảng thời gian để ổn định, từ lương thử việc thấp hơn đến chi phí phát sinh khi thích nghi với môi trường mới. Tiền tiết kiệm cứ thế ‘đội nón ra đi’”, chị nói.
“Thực ra, nhảy việc không phải điều tôi mong muốn. Nhưng mỗi nơi tôi làm đều có vấn đề, từ môi trường làm việc không phù hợp, lương thấp, đến áp lực không đáng có. Tôi buộc phải tìm một nơi khác tốt hơn cho bản thân”, chị Liên bộc bạch.
Còn với anh Hiếu Thành (25 tuổi, quê Tuyên Quang), việc vào TP.HCM xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực Marketing là ước mơ từ những năm đầu học đại học. Anh Thành cho biết, những năm tháng đầu tiên “thực hiện hóa” ước mơ này, dù làm việc miệt mài từ sáng đến tối, anh vẫn chật vật với các khoản chi phí và không để dư được đồng nào tiết kiệm.
“Mức lương khởi điểm thấp, nhưng giá thuê nhà, tiền ăn uống, đi lại thì cao. Để có thêm thu nhập, tôi phải làm thêm giờ hoặc nhận các dự án bên ngoài, nhưng cuối cùng tiền kiếm được chỉ đủ xoay xở hàng tháng”, anh Thành chia sẻ.
Anh Thành cho biết, ngoài các chi phí cố định, mỗi tháng, anh còn phải chi trung bình 3 - 4 triệu đồng để giao lưu bạn bè, đi ăn đám cưới và một số vấn đề phát sinh khác. Anh giải thích rằng việc giao lưu bạn bè không chỉ là sở thích mà còn là một phần cần thiết cho công việc.
“Trong ngành Marketing, xây dựng mối quan hệ là vô cùng quan trọng. Những buổi gặp gỡ không chỉ giúp tôi mở rộng mạng lưới mà đôi khi còn mang lại cơ hội hợp tác mới”, anh nói thêm. Tuy vậy, anh thừa nhận việc này cũng tạo áp lực tài chính đáng kể.
Chị Thu Trang (32 tuổi, Cầu Giấy) tâm sự, dù có gia đình ổn định và công việc gần 10 năm làm việc tại một trung tâm giáo dục, nhưng cũng rơi vào tình cảnh tiền tiết kiệm như “gió vào nhà trống”.
“Thu nhập của tôi được coi là ổn định, nhưng chi phí nuôi con, trả nợ vay mua nhà, và các khoản chi tiêu sinh hoạt khiến tôi hầu như không để dành được gì”. Với chị Trang, mỗi tháng đều là một cuộc chiến cân đo đong đếm giữa nhu cầu gia đình và khả năng tài chính cá nhân.
Chị Trang thừa nhận, việc không có quỹ tiết kiệm dự phòng khiến gia đình chị dễ rơi vào khủng hoảng nếu gặp biến cố. “Mỗi ngày tôi đều tự nhắc mình phải cố gắng hơn, nhưng đôi khi vẫn thấy bất lực khi mọi thứ đều đắt đỏ hơn trước”, chị nói.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) từng khẳng định, quản lý tài chính là bài học mà bất cứ ai cũng đều phải tính đến. “Việc chúng ta quản lý tài chính hay quản lý chi tiêu đòi hỏi phải thực tế và phải có chiến lược hay kế hoạch. Quản lý tài chính một cách có kế hoạch theo 5 loại quỹ: Quỹ thường nhật, quỹ giáo dục, quỹ tiết kiệm, quỹ dự phòng, quỹ giao tế xã hội - quỹ cộng đồng... Làm được những điều trên không quá khó, nhưng không đơn giản”, ông Sơn cho biết thêm.
Bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền - giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ, muốn tiết kiệm được thì phải có kỷ luật trong vấn đề chi tiêu. “Dù đi làm lương ít hay nhiều cũng phải đặt mục tiêu một tháng cần tiết kiệm được bao nhiêu đó và cố gắng thực hiện, không để thâm hụt. Tháng nào chi tiêu lố, thì tháng sau phải bù lại.
Với người trẻ mới ra trường và đi làm thì chủ yếu dùng kiến thức, kỹ năng, sức lao động để kiếm tiền. Vì vậy, phải học cách nâng cấp bản thân để có thể thăng tiến, tăng thu nhập. Ngoài ra, nếu biết đánh giá, phân tích thị trường thì nên đầu tư hoặc mua sắm những tài sản có khả năng sinh lời rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện hưởng thụ. Còn nếu không thì tốt nhất nên gửi tiết kiệm sinh lời là an toàn nhất”, ông Điền nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Hữu Trí - CEO một học viện kỹ năng tài chính, lối sống tại TP.HCM chia sẻ: “Có nhiều bạn học viên tâm sự với mình, sau một dịp nào đó, các bạn ấy nhìn thấy tài khoản không còn đồng nào, hạ thủ quyết tâm tiết kiệm. Các bạn ấy cố gắng cắt 50 - 60% thu nhập của mình, dè sẻn cắt hết những chi tiêu, nhưng chỉ được khoảng 2 - 3 tháng. Quá mệt mỏi vì tiết kiệm, 3 tháng tiếp theo các bạn ấy đã tiêu hết số tiền mình đã dành dụm trong 3 tháng trước đó, con số lại quay trở về 0 và rồi các bạn lại hạ quyết tâm tiết kiệm… một vòng lặp không lối thoát”.
Để giải quyết vấn đề trên, anh Trí đưa ra gợi ý: “Trước tiên, mỗi người hãy cho bản thân thời gian để xây dựng thói quen. Các bạn có thể bắt đầu tiết kiệm từ tốn với con số 15% thu nhập mỗi tháng. Bạn hãy thử suy nghĩ đến việc tìm một người đủ tin tưởng giữ tiền giúp, để bản thân không bao giờ thấy số tiền đó hết, vì khi không thấy thì không tiêu. Người kiếm tiền họ kiếm tiền vất vả nên rất muốn xả stress, vì vậy sẽ dễ mua sắm phung phí còn người kia họ không trải qua nỗi khổ để kiếm được số tiền đó nên họ sẽ điềm tĩnh để ra quyết định một cách lý trí hơn”.