Hàn Quốc: 90% giáo viên trẻ cân nhắc bỏ nghề vì lương thấp

Trọng Hà (Theo Korean Times) Thứ năm, ngày 05/09/2024 13:00 PM (GMT+7)
Cuộc khảo sát của Liên đoàn Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc công bố ngày 4/9 cho thấy mức độ không hài lòng về thu nhập của các giáo viên trẻ đang ở mức báo động.
Bình luận 0

Tình trạng thiếu hụt giáo viên trẻ tại Hàn Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng khi gần 90% giáo viên trong độ tuổi 20 và 30 cân nhắc từ bỏ nghề do mức lương không đủ đáp ứng chi phí cuộc sống. Cuộc khảo sát của Liên đoàn Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc công bố ngày 4/9 cho thấy mức độ không hài lòng về thu nhập của các giáo viên trẻ đang ở mức báo động.

Hàn Quốc: 90% giáo viên trẻ cân nhắc bỏ nghề vì lương thấp

Cuộc khảo sát được thực hiện trên 4.603 giáo viên từ bậc mẫu giáo đến trung học, trong đó chỉ có 0,7% hài lòng với mức lương hiện tại, trong khi có đến 93% cho biết họ không hài lòng. Đặc biệt, 65% giáo viên bày tỏ mức độ không hài lòng ở mức cao nhất. Với mức lương cơ bản cho giáo viên mới vào nghề dao động từ 2,19 đến 2,25 triệu won (tương đương 1.632 USD), sau các khoản khấu trừ, thu nhập ròng của họ chỉ còn khoảng 2 triệu won.

Hàn Quốc: 90% giáo viên trẻ cân nhắc bỏ nghề vì lương thấp - Ảnh 1.

Các giáo viên Hàn Quốc trong một cuộc biểu tình để đòi quyền lợi vào năm 2023. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ủy ban Tiền lương tối thiểu thuộc Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc năm 2023, thu nhập sau thuế của giáo viên mới là 2,31 triệu won, thấp hơn chi phí sinh hoạt hàng tháng cho một hộ gia đình trung bình, ước tính khoảng 2,46 triệu won. Điều này phản ánh rõ ràng rằng mức lương hiện tại không đủ để giáo viên trẻ duy trì cuộc sống cơ bản.

Thực trạng giáo viên trẻ từ bỏ nghề đang có xu hướng gia tăng, với số lượng giáo viên nghỉ việc tăng từ 448 người năm 2020 lên 576 người vào năm 2023. Nhiều giáo viên trẻ cho rằng công việc ngày càng trở nên kém hấp dẫn do họ thường phải đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn, chẳng hạn như làm chủ nhiệm lớp và xử lý các vụ bạo lực học đường mà không được nhận mức thu nhập tương xứng.

Trước tình hình này, 53,9% giáo viên được hỏi đề xuất rằng cải thiện chế độ đãi ngộ là biện pháp quan trọng để giữ chân giáo viên trẻ. Ngoài ra, 37,5% nhấn mạnh rằng việc bảo vệ quyền lợi của giáo viên cần được chú trọng hơn. Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng đồng tình rằng tầm quan trọng của tiền lương và điều kiện làm việc hiện nay không thể bị bỏ qua. Giáo sư Park Nam Gi của Đại học Sư phạm Quốc gia Gwangju cho rằng cần có các biện pháp cải thiện rõ rệt về chế độ đãi ngộ để đảm bảo tính bền vững của nghề giáo.


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem