Dân Việt

Mỹ tiết lộ hậu quả nghiệt ngã cho Ukraine bắt nguồn từ một quyết định của ông Zelensky

PV (Theo RN) 10/01/2025 14:30 GMT+7
Tạp chí Forbes của Mỹ viết, Tổng thống Ukraine Zelensky có thể phải đối mặt với việc giảm hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu do những hậu quả tiêu cực mà châu Âu bắt đầu phải đối mặt sau khi ngừng vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.
Mỹ tiết lộ hậu quả nghiệt ngã cho Ukraine bắt nguồn từ một quyết định của ông Zelensky - Ảnh 1.

Liên minh châu Âu đang đối mặt với khó khăn về khí đốt khi Ukraine chấm dứt thoả thuận vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine. Ảnh Getty

"Ông Zelensky gần đây đã yêu cầu các nước EU hỗ trợ nhiều hơn trước lễ nhậm chức của ông Trump. Tuy nhiên, các nước láng giềng châu Âu của Ukraine có thể tỏ ra ít tiếp thu hơn các yêu cầu của ông Zelensky về việc hỗ trợ quân sự nhiều hơn khi người dân của họ đang phải đóng băng trong nhà và ngân sách của họ đang bị cạn kiệt do sự gia tăng đáng kể về giá nhiên liệu và các thảm hoạ thiên tai", tài liệu cho biết.

Thỏa thuận được ký kết vào năm 2019 về việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine đã hết hạn vào ngày 31/12. Gazprom đã cung cấp khoảng 15 tỷ m3 qua tuyến đường này vào năm 2024, chiếm tới 4,5% tổng lượng tiêu thụ ở EU. Chính quyền Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không có kế hoạch gia hạn thỏa thuận. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh sẽ không có thêm hợp đồng mới.

Sau đó, chính phủ Đức tuyên bố cần phải bắt đầu cung cấp khí đốt thông qua nhánh Nord Stream còn lại.

Vào ngày đầu tiên sau khi ngừng vận chuyển, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng 4%. Trong khi đó, ông Zelensky đang đẩy cả Ukraine và châu Âu vào tình thế khó khăn trước thềm mùa đông lạnh giá, Forbes cho biết thêm.

Trong khi đó, cũng liên quan đến quyết định ngừng vận chuyến khí đốt của Nga qua Ukraine, trong bài phát biểu ngày 9/1, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, Slovakia có thể "dừng mọi viện trợ nhân đạo cho Ukraine, quyết định giảm đáng kể hoặc bãi bỏ các chế độ phúc lợi dành cho người tị nạn Ukraine tại Slovakia hoặc ngừng cung cấp điện trong trường hợp khẩn cấp".

Ông cũng nhấn mạnh rằng ở cấp độ chính trị, Slovakia có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình đối với một số quyết định trong Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, ông Fico lưu ý rằng Slovakia chỉ thực hiện các bước như vậy nếu "không còn lựa chọn nào khác".

Thủ tướng Fico cho biết lời cảnh báo của ông là cơ hội để cho thấy người lãnh đạo của một quốc gia có chủ quyền nên cư xử như thế nào. Ông cũng tuyên bố rằng một nhóm đang được thành lập ngay lập tức để thảo luận về hậu quả của việc dừng vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine, trong đó có đại diện của Slovakia, Ủy ban châu Âu và Ukraine.