Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang trì hoãn việc phê duyệt gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 3 tỷ euro (3,1 tỷ USD) cho Ukraine, bất chấp áp lực từ Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, Der Spiegel đưa tin hôm 9/1.
Ông Scholz, người đang phải đối mặt với cuộc bầu cử đột xuất, được cho là tin rằng động thái này là không cần thiết.
Theo tờ báo, chính phủ Đức đang vướng vào một cuộc tranh luận gay gắt về khoản viện trợ được đề xuất. Các bộ trưởng Baerbock và Pistorius coi gói này rất quan trọng đối với Ukraine khi nước này đang phải vật lộn để kiềm chế sự tiến công của Nga trên chiến trường.
Các bộ trưởng cũng được cho là lo ngại về sự không chắc chắn trong việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ Kiev sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, một người chỉ trích viện trợ cho Ukraine.
Bà Baerbock và ông Pistorius đặt mục tiêu tài trợ cho kế hoạch viện trợ bằng cách yêu cầu ủy ban ngân sách của Bundestag chi tiêu ngoài kế hoạch, một cơ chế trước đây được sử dụng cho viện trợ cho Ukraine, Spiegel đưa tin.
Bộ trưởng Pistorius và Đảng Xanh đã bắt đầu phát triển một gói mới vài tuần trước. Gói này bao gồm 3 khẩu đội phòng không IRIS-T bổ sung kèm đạn dược, tên lửa Patriot, 10 khẩu đại bác và đạn pháo bổ sung.
Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz đã phản đối vì cơ chế này "sẽ đặt chính phủ tương lai vào một sự việc đã rồi" (ngày 23/2 tới đây sẽ diễn ra bầu cử sớm vào Hạ viện tại Đức).
Ông Scholz khẳng định rằng năm nay Ukraine vẫn còn đủ ngân sách từ 4 tỷ euro mà Đức đã cấp trước đó, đồng thời có quyền tiếp cận quỹ tín dụng quốc tế G7 trị giá 50 tỷ USD, được tài trợ từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
"Đằng sau hậu trường, có suy đoán rằng ông Scholz có thể tránh tài trợ thêm vũ khí giữa chiến dịch bầu cử vì lo ngại mất đi sự ủng hộ của một số cử tri của Đảng Xã hội Dân chủ Đức SPD. Ngược lại, Đảng Xanh đang cố gắng ghi điểm chính trị bằng cách thúc đẩy sáng kiến tăng cường. chi tiêu quốc phòng," bài báo viết.
Cuộc tranh cãi về gói viện trợ diễn ra sau sự sụp đổ của liên minh đèn giao thông của Đức vào tháng 11 do một số tranh chấp, bao gồm cả về viện trợ cho Ukraine, dẫn tới cuộc bầu cử bất thường sắp tới.
Đức là nước ủng hộ chính cho Kiev kể từ khi xung đột bắt đầu, họ đã cam kết hỗ trợ tổng cộng khoảng 28 tỷ euro. Tuy nhiên, Đức đã cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm 2025 xuống còn 4 tỷ euro, giảm so với mức 7,5 tỷ euro của năm trước.
Ông Scholz cũng miễn cưỡng chấp thuận việc cung cấp tên lửa tầm xa Taurus, với lý do rằng điều đó có thể làm leo thang tình hình thù địch và khiến Đức trở thành bên tham gia trực tiếp.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần lên án các chuyến hàng vũ khí của phương Tây tới Ukraine, cho rằng hành động này kéo dài cuộc xung đột mà không thay đổi được kết quả cuối cùng.