Dân Việt

Đường nối Ninh Thuận – Lâm Đồng sẽ hoàn thành trong quý II/2025

Đức Cường - Quang Đăng 11/01/2025 07:01 GMT+7
Dự án đường nối huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) với huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) hiện còn vướng 4km rừng vùng giáp ranh và hiện nay các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ tận thu lâm sản để bàn có mặt bằng thi công hoàn thành trong quý II/2025.

Đường nối Ninh Thuận – Lâm Đồng sắp hoàn thành

Ngày 10/1, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận (chủ đầu tư dự án đường nối huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) với huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, dự án này đã cơ bản hoàn thành các hạng mục cầu, cống thoát nước, nền mặt đường, thảm nhựa mặt đường.

Đẩy nhanh tiến độ đường nối Ninh Thuận – Lâm Đồng tạo kết nối liên vùng trong tiêu thụ nông sản- Ảnh 1.

Chủ đầu tư và các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ dự án. Ảnh: Quang Đăng

Ông Phạm Tuấn Anh, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, dự án này  có tổng chiều dài 63,32 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.495 tỉ đồng.

Dự án có thành phần 1 từ thị trấn Tân Sơn đến xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn với chiều dài 22,3 km, vốn đầu từ 400 tỉ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2023.

Dự án thành phần 2 hiện đang thi công từ xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) với chiều dài tuyến khoảng 41 km, vốn đầu tư 1.095 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận dài khoảng 24 km và qua Lâm Đồng khoảng 17 km.

Đẩy nhanh tiến độ đường nối Ninh Thuận – Lâm Đồng tạo kết nối liên vùng trong tiêu thụ nông sản- Ảnh 2.

Địa hình và thời tiết vùng giáp ranh Ninh Thuận – Lâm rất phức tạp, mưa nhiều. Ảnh: Quang Đăng

“Hiện dự án còn vướng mặt bằng khoảng 3,6km ở địa phận Ninh Thuận và 0,2km thuộc địa phận Lâm Đồng. Khu vực này là vùng đất rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ninh Sơn quản lý. Hiện các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ để tận thu lâm sản để bàn giao mặt bằng thi công dự án…”, ông Phạm Tuấn Anh thông tin.

Tận thu lâm sản cho ngân sách

Theo ông Lê Tấn Văn – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ninh Sơn (Ninh Thuận), dự án thành phần 2 đường nối huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đến ngà tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có hơn 31ha rừng tự nhiên thuộc diện tận thu lâm sản với sản lượng ước hơn 3.000 mét khối. Trong đó, ước có hơn 2.200 mét khối gỗ và 816 mét khối củi.

Đẩy nhanh tiến độ đường nối Ninh Thuận – Lâm Đồng tạo kết nối liên vùng trong tiêu thụ nông sản- Ảnh 3.

Đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ tận thu lâm sản để bản giao mặt bằng. Ảnh: Quang Đăng

Cũng theo ông Văn, hiện đơn vị đã khai thác tận thu hơn 1.600 mét khối, đạt 53,7%. Còn lại khoảng 1.370 mét khối chưa tận thu để đảm bảo tiến độ đề ra. Và nguồn gỗ tận thu này sẽ được đưa ra bán đấu giá để lấy tiền cho ngân sách...
Do địa hình và khu vực giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng thường xuyên có mưa liên tục trong thờì gian qua đã làm hư hỏng tuyến đường vận chuyển nên việc tận thu bị gián đoạn. Đến ngày 3/1/2025, các đơn vị thi công tận thu mới tiếp cận được hiện trường rừng để tiếp tục công việc.
“Sắp tới chúng tôi tiếp tục đôn đốc đơn vị thi công để sớm hoàn thành công tác tận thu gỗ, sớm bàn giao gần 4km mặt bằng còn lại để chủ đầu tư thi công hoàn thành tiến độ…”, ông Văn cho hay.

Đẩy nhanh tiến độ đường nối Ninh Thuận – Lâm Đồng tạo kết nối liên vùng trong tiêu thụ nông sản- Ảnh 4.

Còn khoảng gần 4km vướng rừng chưa thể bàn giao thi công dự án. Ảnh: Huy Thành

Được biết, dự án đường nối huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) với huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) là dự án giao thông quan trọng được 2 địa phương này cùng thực hiện.
Dự kiến sau khi hoàn thành dự án sẽ tạo kết nối giao thông liên vùng tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận - Khánh Hòa.
Dự án này cũng hứa hẹn giúp kết nối với tuyến đường bộ  cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 20, Quốc lộ 28B, Quốc lộ 27, Quốc lộ 1, đường vành đai tỉnh Ninh Thuận hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa, nông sản phục vụ mục tiêu kinh tế xã hội. 

Đẩy nhanh tiến độ đường nối Ninh Thuận – Lâm Đồng tạo kết nối liên vùng trong tiêu thụ nông sản- Ảnh 5.

Tuyến đường này hoàn thành và đưa vào sử dụng hứa hẹn sẽ thúc đẩy kinh tế Ninh Thuận phát triển. Ảnh: Huy Thành