Hợp tác xã nông nghiệp EcoG9 (ấp Suối Cao B, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) được thành lập từ tháng 8.2023, bởi Giáo sư Trần Văn Tín- người được mệnh danh là “vua sáng chế”.
Hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông sản, thực phẩm, thiết bị phụ kiện điện tử và gia dụng.
Giáo sư Trần Văn Tín nổi tiếng với những phát minh tiêu biểu như: “Bộ chống xung động màng nhĩ tai khi nghe điện thoại di động”; bộ ba sản phẩm tiết kiệm điện, gas và xăng của ICEVN do ông sáng chế (năm 2006) đã vinh dự được nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, Cúp Sen Vàng, giải Cầu Vàng, cá nhân ông còn được nhận danh hiệu doanh nhân tiêu biểu và “vua sáng chế”…
“Tôi mong muốn phát triển một nền nông nghiệp xanh ở Tây Ninh nói riêng và trên cả nước nói chung, chúng tôi nói không với các loại hoá chất độc hại, ứng dụng khoa học công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm cao cấp, chất lượng, cung cấp ra thị trường nhằm bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp các cá nhân để mở nhà máy sản xuất nước đóng chai từ trường Ion kiềm, nhà máy có trụ sở tại thị xã Hoà Thành”- Giáo sư Trần Văn Tín, Chủ tịch HTX EcoG9 chia sẻ.
Tại Hội chợ đặc sản vùng miền và sản phẩm tiêu biểu khu vực Đông Nam bộ năm 2024, HTX nông nghiệp EcoG9 đã trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm như: màng hấp thụ sóng điện từ bảo vệ sức khoẻ EcoG9, nước uống đóng chai từ trường Ion kiềm, thiết bị bảo vệ và tiết kiệm điện, sữa non nhân sâm EcoG9… trong đó, nổi bật là sản phẩm ốc ngậm sâm ngủ đông.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh- Giám đốc HTX nông nghiệp EcoG9 cho biết: “Tôi từng có thời gian nuôi ốc được 7 năm, lúc đó làm sản phẩm ốc gác bếp, tôi cảm nhận thị trường không sớm thì muộn sẽ bị bão hoà, nên tôi và thầy tôi là Giáo sư Trần Văn Tín đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn, đó là ốc ngậm sâm ngủ đông.
Trong một lần đọc sách, tôi vô tình đọc được thông tin, con ốc khi ăn vật gì thì không đào thải ra bên ngoài, nó vẫn giữ trong cơ thể, chính vì vậy, tôi nghĩ ra phương pháp lấy củ nhân sâm cho ốc ăn, con ốc ăn vào sẽ giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, tạo ra loại ốc có thịt thơm, ngon, tốt cho sức khoẻ”.
Trước đây, do tác động của các loại thuốc trừ sâu sử dụng trên đồng ruộng, nhất là thuốc diệt ốc nên ốc bươu hầu như không còn xuất hiện trong tự nhiên và trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, ốc được người dân các huyện tìm cách nhân giống, nuôi thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
HTX nông nghiệp EcoG9 cũng nuôi ốc trong ao tự nhiên, tuy nhiên do nhu cầu thị trường lớn nên phía HTX đã liên kết với bà con nông dân. Ốc được nuôi hữu cơ, nuôi sạch trong tự nhiên, khi đủ tháng đủ ngày sẽ đem ốc vào phòng đặc biệt. Tại đây, ốc được uống nước từ trường Ion kiềm, xử lý sạch và cho ăn các củ nhân sâm
Sau khi ốc ăn xong sẽ được đưa vào phòng khép kín để ngủ đông. Trong thời gian này, dùng máy phát Ion sóng âm, có công dụng diệt vi rút, khử nấm mốc, khi xuất ốc ra thị trường đạt chất lượng và an toàn. Sau khoảng một tháng có thể xuất ra thị trường, mỗi tháng thu hoạch khoảng 200kg ốc.
Giáo sư Trần Văn Tín (thứ 2, từ phải sang) chụp ảnh cùng các cộng sự tại gian hàng của HTX nông nghiệp EcoG9, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh).
Hiện tại, HTX đã cho ra 3 dòng sản phẩm với 3 phân khúc: ốc tươi; ốc sạch gác bếp xử lý theo môi trường nước kiềm từ trường và phân khúc cao cấp nhất là ốc ngậm sâm ngủ đông.
"Tôi đang xin chứng nhận OCOP của tỉnh, để hợp thức hoá sản phẩm, gọi là đặc sản vùng miền để thương mại đi khắp thế giới, bên cạnh đó có thể chế biến thành các sản phẩm như chả que ốc ngậm sâm, cà ri ốc sâm, cháo ốc sâm ăn liền. Hiện sản phẩm đang được tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh"- Giám đốc HTX nông nghiệp EcoG9 thông tin thêm.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Minh (ngụ xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu) đến thăm quan gian hàng của HTX EcoG9 tại Hội chợ đặc sản vùng miền. Chị cho biết có nghe thông tin về HTX của Giáo sư Tín, nên đến mua nước uống đóng chai Ion kiềm và sản phẩm ốc ngậm sâm ngủ đông cho gia đình, người thân sử dụng, chị Minh hy vọng, Tây Ninh sẽ tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm độc đáo, quan tâm đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Giáo sư Trần Văn Tín chia sẻ, mục tiêu phát triển của HTX là chú trọng việc liên doanh, liên kết 4 nhà (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp) để bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hạn chế rủi ro, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Qua đó tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với giá trị kinh tế khá cao, được thị trường ưa chuộng, ốc ngậm sâm ngủ đông không còn là đối tượng nuôi quá mới trong ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Có thể thấy, đây là mô hình nông nghiệp hiệu quả để nhiều người dân trên địa bàn nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân.