Dòng sông Sêrêpốk với những ghềnh thác hùng vĩ từng là môi trường sống lý tưởng của cá lăng đuôi đỏ.
Loài cá được mệnh danh là "thủy quái" này không chỉ nổi bật bởi kích thước khổng lồ, nhiều con cá lăng đuôi đỏ có thể nặng hơn 100 kg, mà còn bởi giá trị dinh dưỡng cao và thịt ngon đặc trưng.
Tuy nhiên, việc xây dựng dày đặc các đập thủy điện đã làm gián đoạn hành trình sinh sản của cá, kết hợp với tình trạng đánh bắt tận diệt, khiến cá lăng đuôi đỏ dần biến mất.
Năm 2005, ông Hoàng Quốc Bài, một nông dân ở thôn 5, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã quyết định tiên phong nuôi cá lăng đuôi đỏ trong môi trường nước tĩnh của ao đất.
Mặc dù ban đầu gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm nuôi cá quý hiếm, nhưng đến nay gia đình ông Bài đã thành công với mô hình nuôi loài "thủy quái" nhàn hạ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những ngày đầu, cá chậm lớn, tỷ lệ sống thấp. Tôi đã cải tạo ao hồ, sử dụng thức ăn tự nhiên như tôm, tép và cá nhỏ để cải thiện chất lượng cá nuôi.
Kết quả là thịt cá không khác gì cá tự nhiên. Đặc biệt, việc nuôi loài 'thủy quái' này khá đơn giản, ít tốn công sức. Thường thì mỗi tuần, tôi chỉ cho cá ăn 1-2 lần", ông Bài chia sẻ.
Gia đình ông Hoàng Quốc Bài, thôn 5, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hiện đang có 4 ao nuôi cá lăng đuôi đỏ với diện tích 1ha. Cá lăng đuôi đỏ là một trong những loài cá quý hiếm trên dòng sông Sêrêpốk, có con trọng lượng lên tới 100kg.
Theo ông Hoàng Quốc Bài, trước đây nhiều người nuôi cá đặc sản, trong đó có cá lăng đuôi đỏ trên sông như do rủi ro quá cao, nhiều lần cá chết hàng loạt do xả thải từ nhà máy nên ông đã thử nghiệm nuôi loài thủy quái này trong ao, hồ ven sông.
Hiện nay, với 4 ha ao nuôi, mỗi năm gia đình ông Bài thu về khoảng 300 triệu đồng lợi nhuận. Cá lăng đuôi đỏ từ ao nhà ông được bán với giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, đặc biệt những con cá trên 5 kg luôn được giá cao hơn.
Từ thành công của ông Hoàng Quốc Bài, nhiều hộ dân tại xã Hòa Phú đã mạnh dạn tham gia mô hình nuôi loài "thủy quái" này.
Anh Lê Văn Kiên (SN 1985, ở thôn 5, xã Hòa Phú) là một trong những người nuôi cá lăng lớn nhất khu vực.
Năm 2021, anh Kiên bắt đầu thử nghiệm với 5 ao nuôi trên diện tích gần 1,5 ha. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, sản lượng cá của anh đã tăng đáng kể, dự kiến năm nay đạt 1,5 tấn, mang lại doanh thu khoảng 300 triệu đồng.
"Nuôi cá lăng đuôi đỏ khỏe hơn nhiều loại cá khác, ít bệnh tật. Chỉ cần đảm bảo nguồn nước sạch và thức ăn tự nhiên phù hợp, cá phát triển rất tốt. Tôi sử dụng thức ăn thừa từ nhà hàng và thỉnh thoảng bổ sung thêm thức ăn công nghiệp để cá đạt trọng lượng chuẩn", anh Kiên cho biết.
Anh Lê Văn Kiên trao đổi cùng phóng viên Báo Dân Việt về quá trình đưa loài cá quý hiếm-cá lăng đuôi đỏ từ môi trường sông Sêrêpốk nước chảy xiết vào nuôi trong ao đất với môi trường nước tĩnh.
Anh Lê Văn Kiên, thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú Xanh, xã Hòa Phú, Tp Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ việc nuôi cá lăng đuôi đỏ, loại cá đặc sản, loài cá có trọng lượng khổng lồ ví như "thủy quái" mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại nhàn hơn các loại cá khác rất nhiều.
Anh Kiên cũng nhấn mạnh, dù cá lăng đuôi đỏ ít bệnh, nhưng môi trường nước cũng cần được quản lý cẩn thận.
Để khắc phục rủi ro cá bị thiếu oxy hoặc chết do nước ô nhiễm, tôi đã thiết kế hệ thống cấp nước luân chuyển liên tục từ sông, đảm bảo nguồn nước luôn sạch và ổn định.
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của mô hình nuôi cá lăng, sản phẩm cá lăng đuôi đỏ của Công ty TNHH Mỹ Lan Tây Nguyên ở xã Hòa Phú đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào đầu tháng 12/2024.
Đây không chỉ là bước tiến trong việc quảng bá thương hiệu mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa cá lăng Hòa Phú đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước.
Bà Lê Thị Bích Thủy, quản lý Nhà hàng cá lăng Mỹ Lan tại xã Hòa Phú, cho biết, sản phẩm cá lăng đuôi đỏ ngày càng được ưa chuộng. Ngoài phục vụ thực khách tại quán, bà còn xuất bán cá đông lạnh và cá một nắng đóng gói đến các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
"Chúng tôi tiêu thụ khoảng 1 tấn cá mỗi năm. Khách hàng rất thích cá lăng vì thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Vận chuyển cá bằng máy bay hoặc ô tô để đảm bảo chất lượng", bà Thủy chia sẻ.
Ngoài giá trị kinh tế, UBND xã Hòa Phú còn kỳ vọng phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm nghề nuôi cá lăng, đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết xã đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hòa Phú Xanh với diện tích nuôi trồng hơn 10 ha, giúp người dân chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật và đảm bảo đầu ra ổn định.
Đồng thời, xã cũng đã ban hành Quyết định số 1245/QĐ-UBND, nhằm hỗ trợ cá giống khuyến khích người dân mở rộng mô hình. Trong đó, sẽ hỗ trợ 500 kg cá giống (khoảng 4.000–6.250 con) trị giá 220 triệu đồng cho bà con nông dân.
UBND xã Hòa Phú, Tp Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) hỗ trợ cá lăng đuôi đỏ giống khuyến khích người dân mở rộng mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm nghề nuôi cá lăng.
"Hiện toàn xã có hơn 20 hộ nuôi cá lăng, tổng sản lượng mỗi năm đạt 20 tấn. Nhờ giá cá tăng 5–7% so với năm ngoái, các hộ dân đều có thu nhập tốt.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình, gắn phát triển nghề nuôi cá với bảo tồn nguồn gen quý của sông Sêrêpốk", ông Nguyễn Hữu Toàn nói.
Có thể thấy, mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ không chỉ giúp bảo tồn loài "thủy quái" quý hiếm cá lăng đuôi đỏ mà còn mang lại sinh kế ổn định, nâng cao đời sống người dân.
Cùng với sự đồng lòng của người dân, sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, xã Hòa Phú đang chứng minh rằng kinh tế nông nghiệp bền vững hoàn toàn có thể kết hợp với bảo tồn thiên nhiên, đưa loài "thủy quái" huyền thoại trở lại trong đời sống và văn hóa của vùng đất Tây Nguyên.