Thị trường kết thúc năm 2024 với chỉ số VN-Index ở mức 1.266,78 điểm, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 12,3%, gấp khoảng hai lần so với lãi suất tiết kiệm. Đồng thời, thanh khoản giao dịch bình quân phiên đạt 22.000 tỷ đồng, cải thiện hơn 21% so với năm 2023.
Tuy nhiên, phần lớn đà tăng diễn ra trong quý I. Cả ba quý còn lại thị trường gần như chỉ đi ngang với nhiều phiên "hụt hơi" trước ngưỡng kháng cự quan trọng 1.300 điểm. Dù vậy, diễn biến này phần nào thể hiện sự ổn định của thị trường trong bối cảnh đầy nhiễu động.
Trong đó, phải kể đến đà tăng giá của đồng USD khiến tỷ giá trong nước tăng mạnh và Ngân hàng nhà nước phải can thiệp quyết liệt bằng nhiều đợt phát hành tín phiếu và bán USD can thiệp. Theo một số chuyên gia, việc VND mất giá so với USD tác động đến hiệu suất của các quỹ ngoại, làm hạn chế khả năng hút vốn. Kết quả là khối ngoại đã thực hiện bán ròng kỷ lục, với giá trị hơn 91.000 tỷ đồng.
Đồng thời, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đem lại nhiều bất định trong hoạt động thương mại toàn cầu. Những thay đổi khi ông Donald Trump tái đắc cử đã gây áp lực lên lộ trình giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại quốc tế. Việt Nam có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mỹ, cũng chịu tác động đáng kể, khiến nhà đầu tư trong nước thận trọng hơn trong các quyết định.
Hết năm 2024, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu trên ba sàn HoSE, HNX, và UPCoM đạt mức 7.200 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2023, tương đương khoảng 70% GDP.
Bên cạnh đó, năm qua cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong số lượng tài khoản chứng khoán. Với 2 triệu tài khoản cá nhân trong nước được mở mới đã nâng tổng số tài khoản lên 9,3 triệu, tương ứng hơn 9% dân số Việt Nam.
Nhìn lại đầu năm 2024, giá vàng trong nước niêm yết ở mức khoảng 70 triệu đồng/lượng. Sau 5 tháng, cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước nhảy vọt và lập đỉnh mới tại mốc gần 93 triệu đồng/lượng bán ra, tăng hơn 30%. Đồng thời giá vàng trong nước tạo ra chênh lệch lên tới 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.
Vào quý II, khi chứng khoán "hạ nhiệt", giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn bắt đầu "lên ngôi" khi hàng dài người xếp hàng chờ mua vàng tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong bối cảnh giá vàng "sốt nóng", ngày 15/4/2024, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giải pháp 'mạnh'. Ngân hàng Nhà nước bán đấu thầu vàng miếng SJC tăng cung vàng ra thị trường thông qua các ngân hàng sau 11 năm (kể từ năm 2013) với giá thấp hơn so với thị trường.
Một số chuyên gia cho rằng, biến động của giá vàng SJC phụ thuộc hoàn toàn vào cung và cầu trong nước vì chỉ có một lượng cung không đổi vàng miếng lưu thông trên thị trường suốt 10 năm qua. Vì thế, vàng miếng là kênh đầu tư mang nặng yếu tố tâm lý bởi tính khan hiếm.
Tuy nhiên, giải pháp bán đấu thầu vàng không mang lại kết quả như kỳ vọng. Phải đến khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp bán vàng trực tiếp cho nhóm ngân hàng Big4 (BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) với giá thấp hơn đáng kể so với thị trường – biện pháp chưa từng có tiền lệ mới đạt được hiệu quả rõ rệt.
Giá vàng đã giảm mạnh khoảng 7 triệu đồng so với mốc 93 triệu đồng được ghi nhận hồi tháng 5. Đồng thời, mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng trong nước đã được thu hẹp đáng kể chỉ còn khoảng 4- 5 triệu đồng/lượng tùy thương hiệu.
Từ mức dưới 63 triệu đồng mỗi lượng hồi đầu năm, giá tăng lên quanh ngưỡng 84 triệu đồng vào cuối tháng 12/2024, tức tích lũy khoảng 34% sau một năm.
Chuyên gia cho rằng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư có lợi suất tốt nhất trong 10 năm qua tại Việt Nam. Cụ thể, tính đến quý IV/2024, chung cư đạt mức sinh lời gần 300%, đất nền 237%, vàng đạt 230% và chứng khoán 209%... so với quý I/2015.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến hết quý IV/2024, giá chung cư sơ cấp ở Hà Nội đạt trung bình 72 triệu đồng/m2, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Đây là đà tăng mạnh nhất trong vòng 8 năm qua (kể từ 2016) tại thị trường chung cư Hà Nội.
Tại thị trường thứ cấp, mặt bằng giá bán chung cư Hà Nội là 48 triệu đồng/m2, đang dần đuổi kịp mức giá tại TP. HCM đạt 49 triệu đồng/m2. Giá bán thứ cấp tăng 5% so với quý III/2024 và tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức cao nhất ghi nhận từ trước đến nay.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định: "Chính sách thuế bất động sản tại Việt Nam đang thấp và thoáng hơn nhiều nước trong khu vực, thiếu chế tài với các hình thức đầu cơ, bỏ hoang tài sản đất. Số lượng người mua nhà đất để lướt sóng quá nhiều khiến thị trường phát triển kém bền vững và thúc đẩy giá bất động sản tăng ảo".
Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đánh giá Thị trường Bất động sản Việt Nam cho biết, giá đất nền (đã tách thửa, pháp lý đầy đủ) đã phục hồi và tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nguồn cung đất nền giảm do quy định "siết" phân lô bán nền.
Đặc biệt, tính đến hết năm 2024, những lô đất giá trị thấp, khoảng dưới 30 triệu đồng/m2 tại đô thị có hạ tầng đã phát triển hoặc đã có kế hoạch phát triển được "săn đón", với mức giá tăng từ 15% so với cuối năm 2023, do giá trị đầu tư không quá cao, còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Trong bối cảnh giá nhà đất thổ cư tại 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) cũng đã liên tục tăng và thiết lập mặt bằng mới ở mức cao, vượt quá khả năng tiếp cận của đa số khách hàng.
Nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển nhu cầu "săn lùng" nhà đất thổ cư sang các tỉnh, thành vùng ven với mức giá "mềm" hơn và nhiều dư địa tăng trưởng nhờ hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng, quy hoạch đô thị.