Xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: Năm 2024, nước ta đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo. Tính chung cả năm, Việt Nam đã xuất khẩu 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo đạt tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá.
Về đơn giá, gạo Việt Nam năm 2024 đạt đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn (trước đây dưới 600 USD/tấn), tăng 9% so với năm ngoái. Tuy nhiên, hiện nay, Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo Ấn Độ dồi dào tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm.
"Giá gạo không thể nào tăng mãi được, khi đã lên đến đỉnh thì sẽ phải giảm", ông Hải nói và cho hay "Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan chứ không riêng Việt Nam".
Ông Hải cho biết thêm, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines… Tuy nhiên, ở giai đoạn này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng và Bộ Tài chính cũng cần hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Việt Nam đã tính toán nguồn cung từng mùa vụ, cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, và khai thác tốt các cơ hội xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 cũng tăng ấn tượng, nhiều giai đoạn vượt qua Thái Lan để dẫn đầu thế giới. Nhờ đó, nông dân trồng lúa có thu nhập, lợi nhuận tốt.
Cần chuẩn bị nhiều kịch bản
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 đạt khoảng 56,3 triệu tấn, cao hơn 2,3 triệu tấn so với dự báo đã công bố trước đó. Nhu cầu gạo toàn cầu tăng tiếp tục tạo dư địa xuất khẩu cho các nhà cung ứng, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines sẽ tiếp tục tăng lượng nhập khẩu và có thể đạt đến con số kỷ lục khoảng 5,4 triệu tấn.
Theo các chuyên gia, với khả năng cung ứng trên 9 triệu tấn gạo mỗi năm, chủng loại gạo phong phú; các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao gia tăng, Việt Nam tiếp tục là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành gạo. Cơ hội tăng trưởng lớn, nhưng cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn năm 2024, do Ấn Độ đã trở lại "đường đua" với chính sách gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu, tạo thêm sức ép về đàm phán giá với các đơn hàng lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Nam khẳng định: Từ thực tế năm 2024, Ấn Độ dù hạn chế xuất khẩu, đến tháng 9/2024 mới chính thức mở kho gạo trắng, gạo tấm nhưng cả năm 2024 sản lượng xuất khẩu gạo nước này vẫn đạt trên 17 triệu tấn, gần gấp đôi Việt Nam. Với việc phục hồi sản lượng sản xuất, dự kiến năm 2025 Ấn Độ có thể xuất khẩu từ 21 - 22 triệu tấn gạo các loại, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024. Việc này sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị phần xuất khẩu gạo của các quốc gia khác; trong đó có Việt Nam và Thái Lan.
"Về thị trường xuất khẩu, bên cạnh một số nước có khả năng tăng nhập khẩu thì nhịp độ mua vào ở một số quốc gia khác được dự đoán sẽ chậm lại. Điển hình như Indonesia, sau khi liên tục mua vào trong năm 2024, trữ lượng gạo tồn kho của nước này đã cao nhất trong vòng 5 năm. Chính phủ nước này dự định không nhập khẩu gạo hoặc chỉ nhập một lượng nhỏ trong năm 2025, đồng thời tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước để hướng tới tự chủ lương thực.
Đây là vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý để kịp thời chuyển hướng và đa dạng thị trường, khách hàng trong thời gian tới", ông Nam lưu ý thêm.
Cũng theo ông Nam, nguồn cung dồi dào và nhu cầu nhập khẩu trong ngắn hạn chững lại khiến giá gạo xuất khẩu của các nước đều "lao dốc". Thực tế, giá gạo xuất khẩu đã giảm khá mạnh ngay trong tháng 12/2024. Đến cuối tháng 12 giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 481 USD/tấn, giảm tới 39 USD so với đầu tháng 12/2024. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã xuống thấp hơn gạo Thái Lan (499 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 454 USD/tấn và 383 USD/tấn.
Nói về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2025, ông Trần Thanh Hải cho hay: Riêng đối với thị trường Mỹ, chúng ta cần chuẩn bị 2 kịch bản. Thứ nhất, Mỹ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Khi đó, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.
Ở kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam có thể ảnh hưởng. Thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Mỹ nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép tại Mỹ và tạo sức ép với nước ta. "Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hoá thị trường trong thời gian tới", ông Hải nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines…
"Tuy nhiên, ở giai đoạn này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần "bệ đỡ", sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng và Bộ Tài chính cũng cần hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo", ông Thành kiến nghị.
Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp để có nguồn cung gạo chất lượng cao, đồng đều và bền vững.
Khi đó, doanh nghiệp yên tâm đa dạng hoá thị trường, mở rộng thị phần phân khúc cao cấp không chỉ ở EU mà cả với Nhật Bản, Trung Quốc và Trung Đông,... Việc tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao không chỉ giúp khẳng định vị thế gạo Việt Nam mà còn là cơ sở để doanh nghiệp chủ động đàm phán về giá bán tương xứng với giá trị, giảm áp lực giá từ thị trường lương thực dự trữ.