Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, thời gian này nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân tăng đột biến. Từ các loại thịt, cá, hải sản đến bánh kẹo, mứt Tết đều được tiêu thụ với số lượng lớn. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã đưa vào thị trường những sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, những thực phẩm này được tẩm hóa chất độc hại để đánh lừa cảm quan người tiêu dùng càng khiến vấn đề an toàn thực phẩm trở nên nghiêm trọng hơn.
Điển hình, gần đây tại Hà Nội, dư luận "sốc" khi cơ quan chức năng phát hiện khoảng 3,2 tấn thịt không rõ nguồn gốc được tẩm hóa chất để khử mùi hôi thối, tạo vẻ ngoài tươi ngon rồi đóng gói bán ra thị trường với giá gần 80.000 đồng mỗi khay. Các loại hóa chất này tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Không chỉ dừng lại ở các loại thịt, nội tạng, thực phẩm không rõ nguồn gốc còn xuất hiện nhiều ở các mặt hàng như xúc xích, thịt bò khô, bánh kẹo.
Ngày 10/1, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Đội Quản lý thị trường số 17 (TP.Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Hà Nội) phát hiện và thu giữ trên 13 tấn thực phẩm dành cho trẻ em không đảm bảo an toàn thực phẩm sau quá trình kiểm tra một kho hàng tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.
Tại thời điểm kiểm tra kho hàng, toàn bộ thực phẩm không rõ nguồn gốc chủ yếu là xúc xích, thịt bò khô và bánh kẹo các loại được để trà trộn cùng với một số mặt hàng thực phẩm có giấy tờ. Điều này khiến công tác kiểm đếm, phân loại của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Nhiều sản phẩm đã có hiện tượng chảy nước và xuất hiện mùi hôi nồng nặc.
Chủ kho hàng thừa nhận lô hàng 13 tấn thực phẩm này hoàn toàn không có nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, được thu mua trôi nổi trên thị trường, chủ yếu từ biên giới, sau đó đưa về Hà Nội và các tỉnh lân cận để tiêu thụ.
Nếu trót lọt, số thực phẩm không rõ nguồn gốc này sau đó sẽ được cung cấp ra các cửa hàng tạp hóa hoặc cửa hàng bán đồ ăn nhanh trên địa bàn thành phố, đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong, thu giữ toàn bộ số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ liên quan để tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Theo niêm yết, lô hàng vi phạm có tổng trị giá gần 1,9 tỉ đồng.
Trước đó, đơn vị quản lý thị trường này cũng đã phối hợp với cơ quan công an tiến hành kiểm tra và thu giữ tại Khu công nghiệp Quang Minh và một cơ sở kinh doanh tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), phát hiện một lượng lớn hàng hóa là thực phẩm đông lạnh đựng trong các thùng carton vẫn còn nguyên đai, nguyên kiện.
Đoàn kiểm tra ghi nhận gần 10 tấn hàng hóa là sách bò, dạ dày bò, dạ dày heo đông lạnh không có nhãn mác, trên bao bì không thể hiện thông tin về sản phẩm, ngày tháng sản xuất cũng như hạn sử dụng. Trong đó, nhiều nhất là sách bò với số lượng khoảng 8 tấn. Theo quan sát, nhiều sản phẩm đã xuất hiện dấu hiệu phân hủy, biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối.
Gần đây nhất, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm số 1 của TP.Hà Nội tiếp tục phát hiện sai phạm nghiêm trọng tại xưởng sản xuất bim bim của Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ thực phẩm Đức Vinh có địa chỉ số 2 đường Thanh Niên, điểm công nghiệp La Phù, huyện Hoài Đức.
Kết quả kiểm tra ghi nhận khu vực sản xuất không tuân thủ nguyên tắc một chiều, không phân khu chức năng riêng biệt và không đảm bảo tính khép kín trong quy trình sản xuất. Điều kiện vệ sinh tại đây đặc biệt đáng lo ngại, khi các loại bim bim được đổ trực tiếp xuống sàn nhà vốn bám đầy vết bẩn dầu mỡ. Công nhân trong xưởng không sử dụng găng tay khi thực hiện đóng gói sản phẩm.
Nghiêm trọng hơn, đoàn kiểm tra còn phát hiện xác chuột chết đang bốc mùi hôi thối ngay trong khu vực sản xuất. Ngoài ra, cơ sở này không thể xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc của một số loại phụ gia và nguyên liệu sử dụng trong sản xuất.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, năm nào cũng vậy, nhu cầu mua bán thực phẩm dịp Tết Nguyên đán của người dân vô cùng lớn. Lợi dụng thời điểm này, nhiều đối tượng gian thương nhập hàng kém chất lượng, "đầu độc" sức khoẻ người dân.
"Tôi cho rằng để ngăn chặn, kiểm soát tốt nguồn thực phẩm kém chất lượng này quan trọng nhất đó là sự tích cực vào cuộc, thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tích cực tiếp nhận tin báo của nhân dân để biết cơ sở nào sản xuất thực phẩm kém chất lượng, ôi thiu, thực phẩm bẩn để xử phạt nặng, răn đe.
"Một số cơ sở ngày Tết nhập hàng với số lượng lớn nhưng không có phương tiện tích trữ dẫn đến bị ôi, thiu. Họ mang ra xử lý bằng cách dùng chất tẩy rửa mùi hôi, bổ sung hợp chất tạo màu như thịt tươi rồi bán ra thị trường. Thịt ôi, thiu độc tố sinh ra ngấm vào thịt sẽ vô cùng nguy hại cho sức khoẻ người dân", ông Thịnh cảnh báo.
Theo ông Thịnh, người dân hãy là người tiêu dùng thông thái. Để lựa chọn thịt đảm bảo tốt nhất, người dân nên mua tại siêu thị, kiểm soát tốt nguồn cung hàng ngày, đảm bảo thịt tươi ngon hơn. Nếu mua ở ngoài thị trường, nên mua tại những cửa hàng quen, hàng ngày lượng thịt tiêu thụ được kiểm soát tốt hơn.
"Đối với tôm, cá thì việc nhìn cảm quan thực tế dễ hơn bởi tôm ôi thiu sẽ bị long đầu, cá thì lựa chọn con còn sống để mua. Đối với rau, tốt nhất ăn rau tự trồng, hoặc nên mua tại siêu thị bởi đa số rau tại đây có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm hơn", ông Thịnh khuyên.
Trước tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ngày Tết đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng có khuyến cáo như trên.
"Dịp Tết đến gần nhu cầu mua sắm gia tăng. Do đó, người tiêu dùng cần đặc biệt kỹ lưỡng trong khâu lựa chọn các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm. Hãy ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ, và tránh xa những cơ sở có dấu hiệu vi phạm vệ sinh. Sự lựa chọn cẩn thận sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình", bác sĩ Thiệu nói.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu cũng cho hay, việc phát hiện xác chuột chết, côn trùng trong khu vực sản xuất thực phẩm là một vi phạm vệ sinh nghiêm trọng. Những loài này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn là trung gian truyền bệnh.
"Chuột chết, côn trùng thường mang theo vi khuẩn nguy hiểm như Salmonella, E.coli… Khi thực phẩm bị nhiễm khuẩn từ các loài vật này, người tiêu dùng có thể gặp các triệu chứng ngộ độc như tiêu chảy, đau bụng. Ngoài ra, phân động vật phát hiện trong khu vực sản xuất là một dấu hiệu nguy hiểm.
Phân có thể chứa các ký sinh trùng như Toxoplasma, Cryptosporidium hay Giardia, các tác nhân gây bệnh qua đường tiêu hóa. Phân động vật có thể chứa nhiều loại giun sán. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, mà còn có thể ký sinh vào các cơ quan khác trong cơ thể để gây bệnh. Người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với thực phẩm nhiễm các loại ký sinh trùng này", bác sĩ Thiệu cảnh báo.
Các chuyên gia cũng cho rằng, an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của nhà sản xuất hay cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi ý thức và hành động thiết thực từ mỗi người tiêu dùng.