Ngăn thực phẩm bẩn lên mâm cơm ngày tết

Hồng Nhân Thứ hai, ngày 15/01/2024 13:00 PM (GMT+7)
Với lợi nhuận “khủng”, các đầu nậu luôn tìm mọi cách thức, mánh khóe để đưa thực phẩm bẩn, không nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng len lỏi vào thị trường, vào mâm cơm người Việt. Cận tết, lực lượng chức năng đã liên tiếp truy quét tận “hang ổ” các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không có nguồn gốc, xuất xứ…
Bình luận 0

Thực phẩm bẩn tìm cách tuồn vào mâm cơm người Việt

Cận tết, hàng loạt vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn bị cơ quan chức năng phát hiện.

Mới đây, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Cục QLTT tỉnh Sơn La phối hợp với Công an huyện Mai Sơn kịp thời ngăn chặn và xử lý đối tượng vận chuyển hơn 1 tấn sản phẩm động vật đã đổi màu, bốc mùi hôi thối, có hiện tượng phân hủy không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh. Tổng số tiền phạt và tiêu hủy trên 38 triệu đồng.

Ngăn thực phẩm bẩn lên mâm cơm ngày tết - Ảnh 1.

Tại thời điểm khám phát hiện trên phương tiện có 23 bao tải, bên trong chứa sản phẩm động vật có trọng lượng 1.132 kg, tổng trị giá hàng hóa khoảng 28 triệu đồng. Ảnh: Cục QLTT Sơn La.

Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành khám phương tiện vận tải đối với xe ô tô mang BKS 26B-000.09 do Ông V.Đ.T có địa chỉ tại tổ 1, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La điều khiển.

Tại thời điểm khám phát hiện trên phương tiện có 23 bao tải, bên trong chứa sản phẩm động vật có trọng lượng 1.132 kg, tổng trị giá hàng hóa khoảng 28 triệu đồng.

Toàn bộ số hàng hóa trên đã đổi màu, bốc mùi hôi thối và có hiện tượng phân huỷ. Lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng.

Qua làm việc, ông V.Đ.T đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Đội QLTT số 2 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.

Tổng số tiền thu phạt và trị giá hàng hóa trên 38 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Ngăn thực phẩm bẩn lên mâm cơm ngày tết - Ảnh 2.

Cận tết, hàng loạt vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn bị cơ quan chức năng phát hiện.

Trước đó, ngày 29/12/2023, khi kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Đ.T.H.L trên địa bàn phường Phú Xá (TP Thái Nguyên), lực lượng chức năng đã phát hiện 1.030 kg bì lợn tươi sống chưa qua chế biến nhưng đang ôi thiu, bốc mùi hôi, biến đổi màu sắc.

Số bì lợn này đều không có dấu kiểm soát giết mổ và có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Làm việc với cơ quan chức năng, bà Đ.T.H.L - chủ cơ sở kinh doanh khai nhận đã mua trôi nổi hơn 1 tấn bì lợn trên thị trường về để bán lại cho người tiêu dùng. Tất cả hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ. Do điều kiện bảo quản không đảm bảo nên số bì lợn này đã có mùi ôi thiu, biến đổi màu sắc.

Cơ quan chức năng tiến hành xử phạt hơn 15 triệu đồng đối với trường hợp trên, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên theo đúng quy định pháp luật.

Ngăn thực phẩm bẩn lên mâm cơm ngày tết - Ảnh 3.

Thủ đoạn của các đối tượng là đóng hàng bằng thùng xốp, sau đó sử dụng xe khách chuyển về tập kết ở các điểm vắng rồi chuyển về kho.

Ngày 26/12, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa phát hiện hơn 1 tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm lòng lợn non, tràng lợn, lườn ngỗng, trứng gà non, nầm lợn, chân gà rút xương được tập kết tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Theo đó, cơ quan chức năng đã phát hiện trên địa bàn quận có 1 đường dây chuyên cung cấp các loại thực phẩm “bẩn” gồm lòng lợn, tràng trứng, chân gà… từ biên giới về Hà Nội để tiêu thụ.

Thủ đoạn của các đối tượng là đóng hàng bằng thùng xốp, sau đó sử dụng xe khách chuyển về tập kết ở các điểm vắng rồi chuyển về kho.

Ngăn thực phẩm bẩn lên mâm cơm ngày tết - Ảnh 4.

Theo đó, cơ quan chức năng đã phát hiện trên địa bàn quận có 1 đường dây chuyên cung cấp các loại thực phẩm “bẩn” gồm lòng lợn, tràng trứng, chân gà… từ biên giới về Hà Nội để tiêu thụ.

Sau gần 2 tháng, cơ quan công an xác định được quy luật hoạt động, cung đường vận chuyển, số lượng lớn hàng hóa đối tượng tập kết để chuẩn bị cung cấp cho các nhà hàng.

Sau khi thu thập đủ các thông tin, ngày 26/12/2023 cơ quan chức năng đã bắt giữ đối tượng Đào Hoàng Thắng (SN 1987, trú tại huyện Tiền Hải, Thái Bình) khi đang tập kết hơn 1 tấn thực phẩm bẩn.

Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của số hàng hóa, và khai đã mua thu gom số hàng trên từ nhiều đối tượng bán hàng ở đường biên giới giáp Trung Quốc, sau đó thuê phương tiện xé nhỏ để tuồn về Hà Nội tại điểm tập kết hàng hóa nêu trên và lên đơn hàng bán cho các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán ăn vỉa hè để tiêu thụ trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Ngăn thực phẩm bẩn lên mâm cơm ngày tết - Ảnh 5.

Đây là những vụ việc điển hình, những con số đáng báo động về tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm trong thời gian dịp cận Tết Nguyên đán.

Hiện toàn bộ số hàng hóa trên đã được tổ công tác tạm giữ để làm thủ tục tiêu hủy.

Đây là những vụ việc điển hình, những con số đáng báo động về tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm trong thời gian dịp cận Tết Nguyên đán.

Cao điểm kiểm soát thực phẩm cuối năm

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng lên. Lợi dụng tâm lý và nhu cầu của người dân, các đối tượng tranh thủ đưa ra thị trường các loại thực phẩm kém chất lượng nhằm trục lợi.

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, thu giữ nhiều tấn hàng hóa, đặc biệt là vụ thu giữ 53 tấn thịt hết hạn sử dụng.

Thực hiện chỉ đạo của cơ quan cấp trên, chỉ trong thời gian ngắn (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 29/12/2023), các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 18 vụ việc vi phạm, phạt hành chính số tiền 370 triệu đồng, xử lý hàng hóa tang vật vi phạm trị giá: 228 triệu, bao gồm 1.015kg thực phẩm đông lạnh các loại, 3.397 sản phẩm bánh kẹo, ngũ cốc,...

"Xác định công tác đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do vậy, trong cao điểm tết Nguyên đán, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn.

Đồng thời, kết hợp với các lực lượng khác trên địa bàn để tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm pháp, đảm bảo cho người dân được sử dụng sản phẩm an toàn”, Cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định.

Ngăn thực phẩm bẩn lên mâm cơm ngày tết - Ảnh 6.

Không chỉ tại Hà Nội, tại nhiều địa phương khác, việc xử lý các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn cũng nóng hơn bao giờ hết. Ảnh: Cục QLTT Hà Tĩnh cung cấp.

Không chỉ tại Hà Nội, tại nhiều địa phương khác, việc xử lý các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn cũng nóng hơn bao giờ hết.

Trao đổi với phóng viên Nông thôn Ngày nay, ông Nguyễn Đình Khoa - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Tĩnh cho biết, trong năm 2023, đơn vị đã kiểm tra xử lý 282 vụ việc, phạt hành chính gần 1 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy hơn 600 triệu đồng (bao gồm 33 tấn đường cát nhập lậu, 4,1 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhiều hàng hóa vi phạm khác).

“Chỉ trong thời gian ngắn cận tết Nguyên đán 2024, chúng tôi đã vụ kiểm tra, xử lý 39 trường hợp, phạt hành chính 154 triệu đồng.

Cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng trong cuộc chiến này. Bởi, nếu để thực phẩm bẩn lan tràn không chỉ liên quan đến vấn đề an toàn sức khỏe của cộng đồng, còn là vấn đề an ninh kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín các thương hiệu thực phẩm trong nước, tác động xấu đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngăn thực phẩm bẩn lên mâm cơm ngày tết - Ảnh 7.

Lực lượng QLTT Hà Tĩnh tăng cường tuyên truyền, trang bị kỹ năng nhận biết thực phẩm an toàn cho người dân, tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền, trang bị kỹ năng nhận biết thực phẩm an toàn cho người dân, tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Đặc biệt, khi người dân phát hiện trường hợp vi phạm, sẽ có thông tin cho lực lượng QLTT để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định”, ông Khoa nói.

Theo vị Phó Cục Trưởng, lực lượng quản lý thị trường cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân năm 2024. Theo Kế hoạch, từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 15/3/2024, Ban Chỉ đạo Công tác an toàn thực phẩm Thành phố sẽ tiến hành nắm bắt tình hình công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân năm 2024 tại địa phương.

Trong đó, Ban Chỉ đạo đặc biệt chú trọng các địa bàn trọng điểm có tổ chức các lễ hội xuân lớn trên địa bàn thành phố tại Tây Hồ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Sơn Tây...

Đối tượng thanh tra, kiểm tra gồm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Trọng tâm là cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và các lễ hội; các cơ sở dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các cơ sở xung quanh khu vực tổ chức lễ hội xuân lớn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem