Sở Công Thương TP.HCM vừa có thông tin về tình hình cung ứng hàng bình ổn dịp cuối năm 2024 và các chương trình khuyến mãi Tết Ất Tỵ 2025.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, chương trình Bình ổn thị trường năm nay có sự kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình lớn của TP như kích cầu đầu tư, kết nối cung cầu, khuyến mãi tập trung.
Đồng thời, chương trình bổ sung hình thức tham gia hỗ trợ như hỗ trợ giá thuê mặt bằng, hỗ trợ dịch vụ vận chuyển hàng bình ổn thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm đầu ra, ổn định sản xuất, từng bước xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.
Chương trình bình ổn thị trường năm 2024-2025 tiếp tục theo đuổi mục tiêu giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho công nhân, người lao động thu nhập thấp. Trong đó, chương trình bán hàng lưu động được tổ chức luân phiên các địa bàn với sự đồng thuận, hưởng ứng của nhiều thành phần trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối, thanh toán...; nhiều chính sách ưu đãi được áp dụng với hơn 500 mặt hàng giảm giá đến 80%.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, bên cạnh việc đảm bảo nguồn hàng, kiểm soát giá cả, năm nay là năm đầu tiên TP triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm) với mục tiêu định hướng sản xuất thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực.
Chương trình mở ra cơ hội phát triển thị trường cho sản phẩm có quy trình sản xuất minh bạch, an toàn đồng thời góp phần ngăn chặn sản phẩm bẩn, sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng Thành phố.
Về công tác chuẩn bị hàng hóa Tết Ất Tỵ năm 2025, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25-43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả...
Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…
Cơ quan quản lý ngành công thương tại TP.HCM cũng đôn đốc các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường, dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…
Về giá cả, giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Các doanh nghiệp cũng cam kết không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết nguồn hàng phục vụ thị trường Tết năm nay dồi dào. Về giá cả, các doanh nghiệp sản xuất đều cam kết giữ giá nên người tiêu dùng an tâm mua sắm. Đáng chú ý, năm nay, chương trình bình ổn thị trường tại TP có thêm 10 doanh nghiệp tham gia.
Theo ông Vũ, các doanh nghiệp tham gia mới đều là những nhà bán hàng có quy mô lớn, có khả năng chi phối thị trường. Do đó, về nguồn hàng, giá cả, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm đón Tết.