Rực rỡ rừng mai vàng, phố ông đồ tại TP.HCM, khách chạy 30 cây số từ Bình Dương lên để check-in
Thúy Liên
Thứ ba, ngày 14/01/2025 09:57 AM (GMT+7)
Rất đông người dân và du khách đang đổ về Lễ hội Tết Việt 2025 để check-in với rừng mai vàng. Bên cạnh đó, lễ hội còn bố trí thêm nhiều tiểu cảnh lung linh để khách thỏa sức tham quan, chụp ảnh.
Lễ hội Tết Việt tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM chính thức đón khách tham quan, chụp ảnh từ chiều hôm qua, 13/1. Theo ghi nhận của Dân Việt, lượng người dân và du khách đổ về Lễ hội Tết Việt rất đông.
Lễ hội Tết Việt là sự kiện được người dân mong chờ nhất năm. Trong đó, rừng mai vàng là điểm nhấn đặc biệt, thu hút đông đảo du khách gần xa “lên đồ” check-in.
Chị Ngô Thị Kiều Diễm, ngụ tỉnh Bình Dương, chạy gần 30 cây số từ Bình Dương lên TP.HCM để check-in rừng mai vàng. Chị Diễm cho biết đây là năm thứ 3 chị tham gia Lễ hội Tết Việt.
"Tôi trang điểm, mặc sẵn đồ từ nhà để lên đây có nhiều thời gian chụp hình vì biết rừng mai này rất 'hot'. Năm nay, lễ hội trang hoàng rất đẹp, không khí cũng nhộn nhịp hơn", chị Diễm hào hứng, nói.
Xen kẽ những gốc mai, BTC lễ hội còn bố trí các bảng câu chúc xuân. Đây là một trong những góc "sống ảo" được người dân và du khách yêu thích.
Chị Phạm Khánh Đoan, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM (áo trắng, bên trái) cùng 2 người bạn say sưa chụp hình dưới tán mai rực rỡ.
Chị Đoan chia sẻ: “Đường mai rất đẹp nên đứng đâu cũng có hình đẹp. So với năm 2024, lễ hội Tết Việt năm nay có nhiều góc chụp hình, không gian rộng rãi hơn”.
Ở giữa rừng mai là cây nêu Tết, xung quanh được bố trí những chậu hoa Sa Đéc đủ màu sắc. Du khách chỉ cần diện áo dài đơn sắc hay những bộ trang phục giản dị cũng đủ nổi bật trong khung hình.
Bên phải từ cổng chào là góc "sống ảo" lấy cảm hứng từ làng nghề đan lát Mỹ An (An Giang). Đây là tiểu cảnh có thể "cân" mọi trang phục, từ áo dài truyền thống, cách tân đến quần áo hiện đại.
Lễ hội Tết Việt 2025 năm nay dựng hàng loạt tiểu cảnh công phu, tái hiện vẻ đẹp độc đáo, bao gồm: làng gốm Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), làng chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), làng nghề đan lát Mỹ An (huyện chợ Mới, tỉnh An Giang), làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp)...
Khu vực phố ông đồ dọc theo đường Phạm Ngọc Thạch và đường Nguyễn Thị Minh Khai năm nay được trang hoàng lộng lẫy, thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh. Trong hình là gian hàng thư pháp của "bà đồ" Thủy Tiên, mô phỏng không gian nhà gia tiên độc đáo, nổi bật ở góc phố Nguyễn Thị Minh Khai.
Gắn bó với phố ông đồ 12 mùa Tết, ông đồ Võ Tuấn Xuân Thành chỉn chu trong bộ áo dài, đang thoăn thoắt phóng bút. Ông đồ trẻ cho biết giá của mỗi bức thư pháp bán ra sẽ dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn, thậm chí cả chục triệu, tùy sản phẩm và nhu cầu của người xin chữ.
Khu vực phố ông đồ dọc theo đường Phạm Ngọc Thạch và đường Nguyễn Thị Minh Khai năm nay được trang hoàng lộng lẫy. Ảnh: Thúy Liên
Ông Nguyễn Hồng Phúc - Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM cho biết phố ông đồ năm nay có trên 50 ông đồ trẻ thực hiện cho chữ ngày xuân, các gian hàng thư pháp được yêu cầu bài trí công phu hơn.
“Bên cạnh đó, chúng tôi đang hướng tới việc viết thư pháp bằng tiếng Anh. Những năm sau có thể sẽ kết hợp với nhà thư pháp của nhiều nước để lan tỏa giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam và hội nhập với bạn bè quốc tế”, ông Phúc cho biết.
Lễ hội Tết Việt 2025 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sẽ kéo dài đến hết mùng 5 Tết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.