Ngày 14/1, Bộ NNPTNT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Hội nghị Chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc với chủ đề “Chia sẽ dữ liệu – dẫn lối tương lai”.
Tình trạng kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các loại thuốc kháng vi khuẩn như thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng - đây là những loại thuốc được sử dụng để phòng và điều trị bệnh cho con người, động vật và thực vật.
Việc kháng thuốc dẫn đến kết quả, các bệnh nhiễm trùng trở nên khó hoặc không điều trị được, điều này làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật, bệnh có diễn biến nặng hơn, dẫn đến tàn tật, và tử vong. Kháng thuốc có thể lây lan nhanh chóng trong các cơ sở y tế, động vật, thực phẩm, đất và nước.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, kháng thuốc là 1 trong 10 mối đe dọa sức khỏe hàng đầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các vi sinh vật kháng thuốc.
Hiện nay, trên thế giới, tình trạng sử sụng kháng sinh đối với động vật từ 4-5%, đối với người 38%. Trung bình hàng năm 1,27 triệu ca tử vong do kháng thuốc, nhưng chỉ dưới 1% liên quan đến thực phẩm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) trích dẫn theo 2 nghiên cứu gần đây, mỗi năm Việt Nam sử dụng 42,2 tấn kháng sinh trong chăn nuôi gà và 981 tấn trong chăn nuôi lợn. Trong đó, có 55% trường hợp dùng khi vật nuôi có các triệu chứng hoặc biểu hiện bất thường, 25% khi thay đổi thời tiết, còn lại do một số nguyên nhân khác.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, vấn đề phòng chống kháng thuốc là vấn đề chung của toàn cầu phải đối phó và giải quyết hiện nay. Trong nhiều năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT luôn quan tâm đến công tác phòng chống kháng thuốc. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1121 ngày 25/9/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước đó, Bộ NNPTNT đã phê duyệt Đề án phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Long, dù Chiến lược phòng, chống kháng thuốc đã được phê duyệt, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, tuy nhiên công tác phòng, chống kháng thuốc ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu và còn nhiều vấn đề.
Từ thực tế này, ông Long cho rằng, cần phải có sự nhìn nhận thẳng thắn, từng bước hoàn thiện kế hoạch để phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành từ việc quản lý sản xuất, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến và các khâu trong sản xuất nông sản.
Một yếu tố không thể thiếu trong việc thực hiện Chiến lược, đó là sự phối hợp liên ngành, đa ngành, trong từng ngành và giữa các ngành, giữa Trung ương và các địa phương, giữa các doanh nghiệp với các Hiệp hội, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, sự đồng hành, của các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế là yếu tố rất cần thiết, quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công chiến lược phòng, chống kháng thuốc.
Đối với ngành Y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024 - 2025 với mục chính tiêu nâng cao nhận thức, củng cố hệ thống giám sát, giảm sự lan truyền, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người hợp lý.
Đối với mục tiêu cụ thể năm 2025, đó là nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, nhân viên thú y và người dân về phòng chống kháng thuốc. Theo đó, 50% số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và tại mỗi tỉnh, thành phố tham gia; nâng cao năng lực cho 3 phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia về kháng thuốc và triển khai giám sát kháng thuốc của các vi sinh vật trong cộng đồng vào năm 2025: Ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc được tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ và sử dụng, quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc.
Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc theo cách tiếp cận "Một sức khỏe" để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của vi sinh vật; thiết lập hệ thống giám sát quốc gia sử dụng và tiêu thụ kháng sinh ở người...