Dân Việt

Nga nổi giận tố Ukraine 'khủng bố năng lượng', các nước EU ráo riết bóp nghẹt túi tiền của Moscow

Phương Đăng (theo Japantimes) 14/01/2025 16:28 GMT+7
Điện Kremlin cáo buộc Ukraine tiến hành "khủng bố năng lượng" và gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của châu Âu, sau nỗ lực tấn công bằng máy bay không người lái vào một phần đường ống dẫn khí đốt lớn vận chuyển khí đốt từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga nổi giận tố Ukraine 'khủng bố năng lượng', các thành viên EU tìm ra cách bóp nghẹt túi tiền của Moscow - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tham dự buổi lễ đánh dấu việc hoàn thành phần ngầm của đường ống dẫn khí đốt TurkStream tại Istanbul vào ngày 19/11/2018. Ảnh Reuter

The Japantimes, Bộ Quốc phòng Nga hôm 13/1 cho biết, Ukraine cuối tuần qua đã phóng 9 máy bay không người lái tấn công nhằm vào một trạm nén khí ở làng Gai-Kodzor, gần bờ biển phía nam của Nga trên Biển Đen.

Địa điểm này nằm đối diện với bán đảo Crimea - nơi Nga sáp nhập vào năm 2014 và là mục tiêu tấn công dữ dội của Kiev trong suốt cuộc xung đột kéo dài ba năm qua giữa 2 nước.

Moscow cho biết trạm nén khí này là một phần của đường ống TurkStream và cáo buộc Ukraine đang cố cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu.

Bộ quốc phòng Nga nhấn mạnh tất cả các máy bay không người lái mà Kiev phóng đều đã bị bắn hạ nhưng một số "thiệt hại nhỏ" đã được ghi nhận do các mảnh vỡ rơi xuống. Việc cung cấp khí đốt của Nga qua đường ống TurkStream không bị ảnh hưởng.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi vụ tấn công này là "sự tiếp nối đường lối khủng bố năng lượng mà Kiev đã theo đuổi, dưới sự chỉ đạo của những đồng minh nước ngoài, trong một thời gian dài".

Ông cáo buộc động thái này "rất nguy hiểm cho người tiêu dùng châu Âu" đồng thời cho biết Ngoại trưởng Nga cùng người đứng đầu Gazprom đã thảo luận về vấn đề này trong cuộc gọi với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

Kiev chưa phản hồi về cáo buộc này. Căng thẳng năng lượng tiếp tục leo thang giữa hai nước, gần ba năm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại UKraine.

Vào ngày 1/1, Kiev đã quyết định dừng vận chuyển khí đốt của Nga đến các nước thứ ba qua Ukraine - chấm dứt nhiều thập kỷ hợp tác năng lượng đã mang lại hàng tỷ USD cho cả hai nước - nhằm làm giảm nguồn thu cho quân đội của Moscow.

Tuần trước, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với ngành dầu mỏ của Nga, một đòn giáng nữa vào ngành công nghiệp quan trọng của Moscow.

Trong một diễn biến liên quan khác, trong lá thư chung gửi Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU mới đây, ngoại trưởng các nước Bắc Âu và Baltic yêu cầu Ủy ban châu Âu thắt chặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga và coi đây là một biện pháp ưu tiên hàng đầu nhằm bóp nghẹt "túi tiền" của Moscow.

Vào cuối năm 2022, mức giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga được ấn đinh là 60 USD/thùng và cho đến nay mức giá này vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, ngoại trưởng các nước Bắc Âu và Baltic cho rằng, hiện là thời điểm để tăng thêm tác động của các lệnh trừng phạt mà phương Tây đã áp đặt đối với Nga bằng cách hạ mức giá trần dầu thô của Nga, làm giảm nguồn thu nhập quan trọng nhất của nền kinh tế Nga.

Trong thư, các ngoại trưởng Bắc Âu và Baltic không nêu rõ mức giá mới mà mức trần sẽ được thiết lập. Tuy nhiên, theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí Sạch (CREA), việc ấn định mức trần 30 USD/thùng ngay từ đầu sẽ khiến doanh thu xuất khẩu dầu của Nga giảm 25%, gây thiệt hại 76 tỷ euro.

Ngoài ra, họ cũng yêu cầu EC mở rộng lệnh trừng phạt đối với “Hạm đội bóng tối” của Nga (gồm các tàu chở dầu cũ, sử dụng các cấu trúc sở hữu và bảo hiểm không rõ ràng) và những người tạo điều kiện cho việc lách mức giá trần. Cho đến nay, EU đã trừng phạt 79 tàu thuộc hạm đội này.