Thợ đúc đồng hối hả chạy đơn, tăng ca không hết việc.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, không khí làng nghề đúc đồng Lộng Thượng (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên) những ngày cận Tết Nguyên Đán 2025 trở nên tất bật.
Tại xưởng sản xuất đồ đồng của anh Dương Văn Điệp (40 tuổi, Đại Đồng), từ sáng sớm, tiếng máy mài, tiếng búa đập đồng vang lên không ngớt, hòa cùng ánh lửa bập bùng từ lò nung. Vừa tất bật chỉ đạo nhân công, vừa trực tiếp kiểm tra từng sản phẩm, anh Điệp cho biết, anh đã theo nghề làm đồ đồng của gia đình được hơn 20 năm nay.
“Càng về cuối năm, xưởng tôi càng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Tháng này, xưởng tôi nhận đơn hàng tăng gấp ba so với ngày thường. Thông thường, chúng tôi sẽ bán buôn đến hết ngày 23 tháng Chạp, còn bán lẻ thì có thể phục vụ bà con tới 30 Tết. Khách đặt đủ loại: từ lư hương, đỉnh đồng đến tượng trang trí. Đa số là phục vụ cúng bái dịp Tết nên không thể trễ hẹn”, anh Điệp chia sẻ trong lúc đôi tay thoăn thoắt chạm khắc hoa văn trên một bức tượng đồng.
Theo anh Điệp, hiện xưởng của anh gồm 5 thợ làm việc, ngày nào cũng tăng ca trong giai đoạn cận Tết. “Thông thường, thợ sẽ làm việc tới 17 giờ 30 phút chiều là nghỉ, nhưng những ngày này, chúng tôi đều phải tăng ca, làm việc hết công suất để làm sao kịp gửi tới bà con mặt hàng đồ đồng phục vụ nhu cầu sử dụng trong dịp Tết Nguyên Đán.
Chúng tôi thuê nhân công với mức lương 300.000 đồng/ngày. Riêng việc tăng ca thì sẽ tính lương theo tiếng. Cứ khoảng ba tiếng, thợ sẽ được tính nửa công”, anh Điệp nói.
Giữa không khí nhộn nhịp tại xưởng đúc đồng, anh Giàng Mí Li (22 tuổi, quê Lai Châu) nổi bật với dáng vẻ chăm chỉ và đôi tay thoăn thoắt phun sơn lên các sản phẩm. Dù mới làm nghề được 2 năm, nhưng anh đã thành thạo mọi công đoạn từ pha sơn, phun màu, đến xử lý bề mặt sao cho mỗi món đồ đồng đều đạt độ hoàn hảo.
Anh Li chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Chỉ cần sơ suất một chút là màu sơn không đều, ảnh hưởng đến cả sản phẩm. Để tạo nên lớp sơn bền đẹp, tôi phải phun từng lớp mỏng, đợi khô rồi tiếp tục. Tôi chưa từng nghĩ sẽ làm công việc liên quan đến đồ đồng, nhưng càng làm, tôi càng thấy yêu nghề, đặc biệt là cảm giác tự hào khi những sản phẩm mình hoàn thiện được khách hàng khen đẹp”.
Mỗi dịp Tết, công việc của anh Li cùng những người thợ khác càng thêm bận rộn. Những lư hương, đỉnh đồng hay tượng trang trí qua bàn tay của những họ trở nên sống động và tinh xảo hơn. Những người thợ chia sẻ, đây không chỉ là việc làm để mưu sinh, mà đây còn là cách để học hỏi và góp phần giữ gìn nét đẹp làng nghề truyền thống.
Những ngày cuối năm, các cơ sở bán đồ đồng mỹ nghệ tại làng nghề đúc đồng Lộng Thượng (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên) đón nhiều lượt khách đến xem và chọn mua các bộ đỉnh đồng, hạc đồng để trang trí bàn thờ trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Có mặt tại một cơ sở bán đồ đồng mỹ nghệ, anh Nguyễn Văn Soạn (44 tuổi, Hưng Yên) cho biết, để chuẩn bị chu đáo cho lễ cúng tổ tiên, anh đã xem xét rất kỹ từng chi tiết trên các bộ đỉnh, hạc đồng trước khi chọn mua. “Tết đến, tôi muốn sắm một bộ đỉnh đồng mới để ban thờ thêm trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên.
Từ xưa đến nay, các mặt hàng đồ đồng mỹ nghệ là sản phẩm kim loại giá trị cao, mang ý nghĩa tâm linh. Đồng vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng, may mắn. Các sản phẩm sản xuất bây giờ người ta còn dát vàng, bạc thêm vào để sản phẩm thêm phần sinh động”, anh Soạn nói.
Anh Soạn cho biết, anh đã tham khảo rất nhiều địa điểm bán đồ đồng mỹ nghệ nhưng cuối cùng vẫn chọn mua tại làng nghề đúc đồng Lộng Thượng. “Tôi đã quyết định chọn mua một bộ đỉnh Thất Lân Vờn Cầu khảm ngũ sắc cao 90cm để bày trên ban thờ gia đình dịp Tết.
Bộ đỉnh này gây ấn tượng với thiết kế cầu kỳ, hoa văn rồng phượng chạm trổ nổi bật, kết hợp hình ảnh bảy con lân uốn lượn xung quanh quả cầu tượng trưng cho sự hòa hợp và thịnh vượng. Điểm đặc biệt của sản phẩm là kỹ thuật khảm ngũ sắc độc đáo, sử dụng năm loại kim loại quý như vàng, bạc, đồng đỏ, đồng xanh, và đồng đen, tạo nên những mảng màu óng ánh, sống động dưới ánh sáng”, anh tiếp lời.
Anh Soạn chia sẻ: “Tôi chọn bộ đỉnh này không chỉ vì sự tinh xảo mà còn bởi ý nghĩa phong thủy sâu sắc của nó. Thất Lân Vờn Cầu tượng trưng cho sự đoàn kết, sung túc, rất phù hợp để bày trên ban thờ dịp năm mới”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Dương Văn Hồng - Chủ tịch Hiệp hội đúc đồng truyền thống thôn Lộng Thượng cho biết: “Từ xưa đến nay, hầu như trên bàn thờ của gia đình người Việt Nam nào cũng trưng bày một bộ đồ đồng. Vì vậy, nghề này của chúng tôi phát triển, cứ đến Tết, mọi gia đình nếu chưa có bộ đỉnh thì đều muốn có một bộ đỉnh đẹp để thờ tổ tiên”.
Theo ông Hồng, hiện hội làng nghề đúc đồng thôn Lộng Thượng có khoảng 60 hộ đang hành nghề. “Trong đó, chỉ còn khoảng 5% số hộ làm thủ công, còn lại 95% đã áp dụng làm máy móc và cơ khí hóa. Khi các hộ làm nghề cần sự giúp đỡ, làng nghề luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn hoặc giới thiệu về các khách hàng đến cho các hộ gia đình trong làng nghề”.
Ông Hồng bày tỏ: “Tôi rất mong muốn làng nghề đúc đồng thôn Lộng Thượng ngày càng làm ra nhiều sản phẩm đẹp để phục vụ thị trường. Hy vọng rằng, mỗi hộ làm nghề đều phải có sức cạnh tranh về sản phẩm đẹp. Tôi rất kỳ vọng khi các hộ đều làm ra những sản phẩm tinh túy gửi tới tay khách hàng, lúc đó chỉ cần nhắc tới đồ đồng, người ta sẽ nhớ ngay đến sản phẩm của thôn Lộng Thượng”.