Dân Việt

Ông Biden tìm cách nới lỏng lệnh trừng phạt Cuba trong những ngày cuối nhiệm kỳ

V.N (Theo Reuters) 15/01/2025 07:05 GMT+7
Chính quyền Biden thông báo sẽ đưa Cuba khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố, trong khi Cuba công bố sẽ thả hơn 500 tù nhân, hai thông báo có thể thay đổi quan hệ Mỹ - Cuba ngay trước khi ông Donald Trump nhậm chức.
Ông Biden tìm cách nới lỏng lệnh trừng phạt Cuba trong những ngày cuối nhiệm kỳ - Ảnh 1.

Mỹ và Cuba đã có những quyết định quan trọng có thể thay đổi quan hệ hai nước. Ảnh: Reuters.

Những thông báo của Tổng thống Joe Biden thực tế là đảo ngược nhiều lệnh trừng phạt mà Tổng thống đắc cử Trump đã áp đặt trong nhiệm kỳ trước của ông kết thúc vào năm 2021. Nếu các biện pháp này được duy trì, đó sẽ làbước tiến lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Cuba kể từ thời kỳ hòa hoãn dưới thời Tổng thống Obama.

Ông Trump - người chỉ trích mạnh mẽ Cuba và đã dán nhãn hòn đảo này là quốc gia bảo trợ khủng bố, chưa có bình luận về các biện pháp này, nhưng ông đã hứa sẽ áp dụng chính sách cứng rắn đối với Cuba. Ông cũng đã đề cử Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio, con trai của những người nhập cư từ Cuba và là một người chỉ trích chính phủ Cuba, làm Ngoại trưởng.

Các kế hoạch mà ông Biden công bố sẽ hủy bỏ việc chỉ định Cuba là quốc gia bảo trợ khủng bố vào năm 2021 của ông Trump, làm giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với một đất nước vốn đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Tuy nhiên kế hoạch này phải chờ sự xem xét của Quốc hội và chính quyền Trump sắp tới.

Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ hủy bỏ một sắc lệnh của ông Trump vào năm 2017 hạn chế các giao dịch tài chính với một số tổ chức quân đội và chính phủ có liên quan ở Cuba, theo một quan chức cấp cao của chính quyền. Ông Biden cũng muốn ngừng cho phép các cá nhân kiện các thực thể Cuba và các công ty nước ngoài theo Đạo luật Helms-Burton liên quan đến tài sản bị tịch thu sau cuộc cách mạng của nhà lãnh đạo Fidel Castro năm 1959, quan chức này cho biết.

Chỉ một giờ sau thông báo của Mỹ, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel thông báo rằng chính phủ của ông dự định "dần dần" thả 553 tù nhân sau các cuộc đàm phán với Giáo hoàng Francis.

Cuba đã phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ các tổ chức nhân quyền, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu sau việc giam giữ hàng trăm người biểu tình sau các cuộc bạo loạn vào ngày 11/7/2021, là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc cách mạng của Castro.

Cuba khẳng định rằng những người bị giam giữ sau các cuộc biểu tình năm 2021 đã phạm tội từ phá hoại đến phản quốc.

Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Cuba cho biết quyết định này phản ánh "tính nhân đạo của hệ thống tư pháp Cuba", nhưng không liên kết việc thả tù nhân với các thông báo của ông Biden. 

Chính phủ Cuba coi đây là một bước tiến theo "đúng hướng", nhưng cáo buộc Mỹ tiếp tục "chiến tranh kinh tế" chống lại đảo quốc này, đồng thời cảnh báo rằng các biện pháp này có thể sẽ bị đảo ngược nhanh chóng và rằng lệnh cấm vận thương mại của Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh đối với Cuba vẫn còn nguyên.

Ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, ông có thể sẽ tìm cách khôi phục các lệnh trừng phạt mà ông Biden đã đảo ngược. Nhóm chuyển tiếp của ông và văn phòng Thượng nghị sĩ Rubio đã không trả lời yêu cầu bình luận ngay lập tức.

Một quan chức cho biết các nhóm của ông Biden và ông Trump đã "liên lạc" về vấn đề này.

Trong một bức thư ngắn gửi Quốc hội, ông Biden cho biết các hành động mà ông công bố ngày 14/1 là "cần thiết cho lợi ích quốc gia của Mỹ  và sẽ thúc đẩy quá trình chuyển tiếp sang dân chủ ở Cuba."

Thả tù nhân

Cuba đã thảo luận về khả năng ân xá tù nhân với các quan chức Tòa thánh ít nhất từ năm 2023. Tòa thánh đã đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán trước đây để thả tù nhân khỏi các nhà tù của đảo quốc này. Họ cũng đã giúp trung gian cho việc nối lại quan hệ lịch sử giữa Cuba và Mỹ vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Barack Obama.

"Một sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai đảng và chắc chắn là từ cả hai chính quyền rằng những người ở Cuba không nên bị giam giữ một cách bất công" - một quan chức cấp cao của Biden cho biết vào thứ Ba.

Trong ngắn hạn, các biện pháp mới của ông Biden dự kiến sẽ tạo ra không gian cho Havana hành động trong khi đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ.

Thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men và điện ở Cuba đã thúc đẩy một cuộc di cư kỷ lục khỏi đảo quốc này. Ít nhất 1 triệu người Cuba đã rời đi bằng đường bộ và đường biển kể từ năm 2020, nhiều người trong số họ đã đến Mỹ, nơi họ góp phần vào cuộc khủng hoảng tại biên giới Mỹ.

Ông Trump đã đưa Cuba vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2021 trong những giờ cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên, nói rằng Havana đã liên tục cung cấp "hỗ trợ cho các hành động khủng bố quốc tế" bằng cách chứa chấp các tội phạm truy nã của Mỹ và các lãnh đạo du kích Colombia.

Cuba đã phủ nhận các cáo buộc này, gọi việc đưa mình vào danh sách là một trò hề và yêu cầu gỡ bỏ khỏi danh sách, vì việc này cấm viện trợ kinh tế từ Mỹ và cấm xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang Cuba.

Các quan chức ông Biden cho biết việc xem xét gần đây về việc Cuba có tiếp tục nằm trong danh sách này đã là cơ sở cho quyết định của họ.

"Trong cuộc xem xét của chúng tôi, những gì chúng tôi phát hiện ra là hiện tại không có bằng chứng đáng tin cậy về việc Cuba vẫn đang hỗ trợ khủng bố quốc tế" - một quan chức Mỹ cho biết.