Dân Việt

Đột phá cơ chế để “bắt tay” với các ông lớn nước ngoài về bán dẫn, AI và công nghệ mới

An Linh 16/01/2025 07:00 GMT+7
Chính phủ yêu cầu có giải pháp đột phá để thu hút chuyển giao và làm chủ công nghệ mới trong nước và bắt tay với nước ngoài về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.

Theo đó, hàng loạt chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam được cụ thể hóa trong năm 2025 với quyết tâm chiến lược của Chính phủ là xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm, xin cho và phân cấp triệt để".

Quan điểm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết là bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo quy định của Hiến pháp 2013; kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp.

Đột phá  cơ chế để “bắt tay” với các ông lớn nước ngoài về bán dẫn, AI và công nghệ mới - Ảnh 1.

Lãnh đạo Chính phủ quán triệt quan điểm: Xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm", xóa bỏ cơ chế "xin - cho" và quyết tâm phân cấp phân quyền, phân trách nhiệm trong thực thi công vụ (Ảnh: Chinhphu.vn).

Phân cấp triệt để, xóa xin cho và đổi mới tư duy quản kiểm

Nghị quyết xác định khơi thông nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư tư nhân và thúc đẩy hợp tác công tư; đồng thời khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới, phù hợp và thích ứng linh hoạt với xu thế phát triển.

Chính phủ yêu cầu “thực hiện nghiêm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", xóa bỏ cơ chế "xin - cho".

Các quy trình lấy ý kiến cần thực chất; tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động; và tổ chức đối thoại công khai. Nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm đúng thời hạn và không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp.

Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; thực hiện phân cấp hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

“Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm; phân công phải 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Nghị quyết yêu cầu thực hiện một số mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn triển khai và sự điều chỉnh về khung đánh giá của quốc tế.

Cụ thể:

- Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.

- Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 1 bậc.

- Phát triển Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 2 bậc (trong kỳ xếp hạng tới).

- Quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 3 bậc.

- Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc.

- Năng lực phát triển du lịch tăng ít nhất 4 bậc (trong kỳ xếp hạng tới).

- An toàn thông tin mạng duy trì trong nhóm các quốc gia Bậc 1.

Chính phủ yêu cầu tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Chính phủ xác định số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024.

Xác định đột phá chính sách để bắt tay với cường quốc về công nghệ

Chính phủ đề nghị tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến.

Các bộ, cơ quan Trung ương trong lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản để phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Đột phá  cơ chế để “bắt tay” với các ông lớn nước ngoài về bán dẫn, AI và công nghệ mới - Ảnh 2.

Tập đoàn Nvidia (Mỹ) - tập đoàn chip trị giá hơn 2.000 tỷ USD bắt tay hợp tác với Việt Nam mở hai viện nghiên cứu về AI, đây là dự án lớn của Nvidia tại Việt Nam và khu vực ASEAN (Ảnh: Chinhphu.vn).

Trong đó nhấn mạnh việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao công nghệ.

Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, bán dẫn và năng lượng tái tạo.

Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế đột phá “bắt tay” với các ông lớn quốc tế về bán dẫn, AI và công nghệ mới.

Các bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật.

Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi kiến nghị tới các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ gồm: Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương (Tổ công tác đặc biệt).

Các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (Tổ công tác về đầu tư công).

Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính; Tổ công tác đặc biệt và Tổ công tác về đầu tư công kịp thời nhận diện vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư và triển khai các dự án đầu tư; ban hành ngay các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết vướng mắc, khó khăn.

Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật; kịp thời tổng hợp nội dung báo cáo của các bộ, ngành, địa phương về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật để đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.