Dân Việt

Lửa ấm miền phên giậu: Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)

Doãn Hoàng - Hoàng Chiên 07/02/2025 06:30 GMT+7
Mỗi lần qua đèo 15 tầng Khau Cốc Chà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, tôi lại mềm lòng nhớ về những bản làng khuất sau nách núi. Tại đây, tôi cảm động nghe bà con người Mông kể chuyện về Bí thư Chi bộ thôn Tả Xáy ở xã Xuân Trường. Anh Thào A Quả và kỳ tích mở đường vào bản trong suốt 25 năm qua.
Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)- Ảnh 1.

Mỗi lần qua kỳ quan tuyệt mỹ - đèo 15 tầng Khau Cốc Chà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, tôi lại mềm lòng nhớ về những bản làng khuất sau nách núi. Đến thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, bà con một số bản làng vẫn chưa có điện lưới, chưa có đường xe máy và chẳng đủ nước sạch mà dùng. Núi cao, mây mù thì tạo ra nhiều phong cảnh đẹp; nhưng chính sự chênh vênh hiểm trở đó, cũng tạo ra quá nhiều khó khăn.

Giữa năm 2024, tôi đề nghị với Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đưa đoàn bạn hữu người Bỉ, người Anh được vào vùng biên giới, thăm dự án xây bể chứa nước sạch ngót tỉ bạc ở khu vực quanh đèo 14 tầng, do bạn tôi là Lê Nguyên Tùng (Việt kiều Bỉ) cùng ê kíp tài trợ. Tại đây, tôi cảm động nghe bà con người Mông kể chuyện về Bí thư Chi bộ thôn Tả Xáy ở xã Xuân Trường. Anh Thào A Quả và kỳ tích mở đường vào bản trong suốt 25 năm qua.

Anh Thào A Quả suốt 25 năm qua kiên trì vận động người dân địa phương góp công, góp sức mở đường vào bản. Video: Hoàng Chiên. 

Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)- Ảnh 2.

Con đường mà dân bản tận tâm, hết sức, kiên trì trong nhiều năm mở dần từng mét một vào Tả Xáy kia, nó rất giản dị thôi. Nhìn từ trên cao, nó nhỏ xíu, uốn lượn vắt vẻo trên núi xanh, như con rắn trắng, dài 4km. Nó trắng lốp xi măng trộn với đá núi nghiền nhỏ.

Tôi ngồi sau xe máy "xịn nhất bản" của Linh, Bí thư Chi đoàn, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm, để vào Tả Xáy mà… thật ám ảnh. Xe gầm gào như muốn nổ tung. Dốc đứng đến chóng mặt. Ngồi sau, nếu không lên gồng giữ yên mình ở một vị trí, bạn có thể xô theo trọng lực và ẩy người lái xe bay lên, ấp bụng vào… tay lái. 

Linh bảo: xe của thầy giáo cắm bản yếu, đi đường "khủng" này là phải dắt bộ nhiều đoạn. "Nhiều người yếu bóng vía, vào bản làm từ thiện, họ không dám ngồi xe bọn em, toàn xuống đi bộ".

Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)- Ảnh 3.

Linh, cán bộ mặt trận thôn Tả Xáy đã có thể lái xe máy ra và vào bản như thế này.

Chúng tôi lao qua những khu rừng khá nguyên sinh, rợp bóng cổ thụ. Có lúc nhìn ra bát ngát mây núi điệp trùng, các con đường đèo lắt lẻo chữ chi, cứ ngỡ mình đang bay lượn.

Rồi bản Tả Xáy cũng hiện ra. Dân bản tề tựu đông đủ, chắc là lâu rồi tôi đi công tác mà mới được nhiều người chờ đón mình đến thế.

Nhà Thào A Quả có 7 khẩu. Anh đang băng bó cái tay bị đứt một đốt ở ngón trỏ. Đi viện 10 ngày. Tôi ngồi sưởi, thấy một đốt ngón tay người treo ngất ngư, chợt tá hoả. "Sao anh làm thế?". "Vợ mình nó bảo, giữ lại đốt ngón tay bị đứt, treo lên gác bếp cho khỏi bị thối. Rồi sau này mình chết đi, sẽ thả lẫn vào quan tài cho "trọn vẹn". Cũng là để còn cháu sau này ra đời sẽ… đầy đủ ngón tay (theo quan niệm cổ xưa)".

Đi cùng tôi, nhà báo Tạ Hoài Phương, công tác lâu năm cho Đài PTTH Cao Bằng, là người kết nối để chúng tôi tài trợ dự án xây bể nước cho xã Khánh Xuân bên cạnh; cũng là người vận động nhiều tấn xi-măng, tiền mặt, góp công của cho người Tả Xáy làm được xe máy vào bản như bây giờ.

Tôi đùa: "Nếu cô Hoài Phương mà không liên tục đem cho xi măng, thì làm gì đến nỗi anh bị máy nghiền đá mở đường nó nghiến đứt mất đốt ngón tay". A Quả thật thà: "Không phải thế đâu, nhà báo Phương nó tốt bụng mà. Tại tôi cả chứ. Vừa rồi chạy máy nghiền đá mở đường, tôi có sửa chiếc dây cô loa hỏng và bị kẹt tay vào máy nghiền".

Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)- Ảnh 5.

Con trai anh Quả làm Công an viên, con dâu anh làm y tế thôn bản. A Quả sinh năm 1966, cũng gần 60 tuổi rồi. Nhà giờ có 7 khẩu, thời mới, chịu khó làm ăn thì chả phải lo đói như trước kia nữa đâu. Trước, nhà nghèo, đói quanh năm. Toàn ăn sắn ăn khoai.

Giờ cả xóm có 42 hộ, gồm 225 nhân khẩu. Bà con toàn bộ là người Mông, đều thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo. Nhà có 8 anh em, A Quả may mắn được bố mẹ quyết tâm dành dụm cho ăn học. Nhưng rồi, đau lòng lắm, phải bỏ dở việc học hành, vì không có đường sá, nên anh đau lắm. Mãi sau này tôi mới học bổ sung năm lần bảy lượt, để có trình độ lớp 9.

Cán bộ rồi giáo viên cắm bản, họ thấy A Quả biết chữ "nhiều nhất bản", nên ai cũng động viên… làm Trưởng xóm. Vận động bà con, đọc văn bản của xã của huyện, thì phải biết chữ mới làm được chứ. Làm Trưởng xóm để rồi còn tìm cách giúp đỡ bà con đói nghèo của mình chứ. A Quả nghĩ mà run, không dám làm. Mãi mới "liều" nhận làm thử xem sao. Cán bộ bảo: "Cứ làm mãi sẽ quen".

Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)- Ảnh 6.

Bao năm qua, Trưởng xóm, rồi Bí thư Chi bộ xóm Thào A Quả năng nổ đi đầu, vận động bà con: Không vượt biên trái phép làm thuê, không nghe kẻ xấu truyền đạo trái phép, không bỏ bàn thờ tưởng nhớ tổ tiên; không theo "tín ngưỡng" của Dương Văn Mình. Đặc biệt là phải biết vươn lên.

Không có đường thì trẻ em đi học quá vất vả, cô giáo đi bộ từ ngoài đường nhựa vào đỉnh núi này mất vài tiếng đồng hồ. Lúc bà con mình ốm đau phải buộc chăn vào một cây cây tre, cả nhóm ai cũng đầm đìa mồ hôi khiêng ra ngoài đường nhựa mất cả một vài tiếng đồng hồ. Nuôi con bò, con dê, làm ra củ sắn củ khoai và bao nhiêu là bí ngô, chẳng có người nào đi xe máy hay đánh ô tô vào để mua được. Thế là mình và bà con thiệt đủ đường.

Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)- Ảnh 7.

Bà con người Mông ở Tả Xáy và niềm vui có đường xe máy vào bản.

Quyết tâm phấn đấu cho một con đường có bánh xe tròn lăn vào bản. Anh Quả cùng bà con tính chuyện lên huyện xin hỗ trợ kinh phí. Huyện hứa là sẽ cố gắng, nhưng phải có quy trình. Vì Bảo Lạc là huyện xa xôi khó khăn bậc nhất của tỉnh địa đầu biên giới nước non Cao Bằng, nên phải "xếp hàng", nhiều bản làng cũng chưa có đường vào lắm.

Nghe vậy, Trưởng bản Thào A Quả bảo đi tìm cán bộ cấp, tha thiết kiến nghị: "Bà con Tả Xáy chúng tôi chỉn chu làm ăn, luôn chấp hành đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước. Chúng tôi đói nghèo cần có đường để phát triển. Việc này cần kíp thế nào thì cán bộ biết rồi. Sao không làm đường cho chúng tôi?".

"Cán bộ cũng bảo, sẽ mở đường vào tất cả mọi thôn bản, nhưng phải chờ đã, vì nhiều nơi cũng khó khăn như thế trong khi kinh phí eo hẹp", anh Thào A Quả thuật lại.

Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)- Ảnh 8.

Hiểu được điều đó, Thào A Quả quyết định vận động bà con "chung lưng đấu cật" làm đường, khó đâu thì xin huyện, tỉnh hỗ trợ sau.

Lúc đầu, các người già bảo: không thể nào tự mở đường vào bản được đâu, núi đá to, cao và dài thế. Từ cổ xưa tới giờ, tổ tiên ta cũng có làm được đường đâu. Làm là thất bại, "có làm không có ăn". Mấy người trẻ thì bảo, tôi không tham gia vì biết chắc không thể nào làm nổi, trừ khi có máy móc và kỹ sư của huyện, tỉnh hay trung ương về làm.

Thào A Quả khoát tay hứa: tôi sẽ làm. Xin xi măng của huyện, xin thuốc nổ về phá đá. Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bà con nhớ lại đi, lúc tôi vận động trồng đỗ tương vụ hè thu. Ai cũng bảo không thể nào trồng nổi đâu. Thế mà giờ đỗ tương phát triển quá tốt. Bà con được canh tác hai vụ một năm, thu nhập tăng gấp đôi đấy thôi. Khó mới cần đến tôi và tôi mới khó nhọc đi vận động bà con cùng làm, chứ dễ thì tôi làm một mình cho xong!

A Quả lại bảo, vợ của anh lên cơn đau đẻ, cho vào võng buộc vào cây tre khiêng đi bộ đến 12 giờ đêm mới ra tới quốc lộ. Tôi mua 100 tấm fibroximang về lợp nhà. Mà nhờ 10 người vác suốt một tuần từ ngoài đường nhựa mới vào đến bản. Đường núi đông nháo nhào, tắc cả lối đi vì vác mấy cái tấm lợp ấy. Khổ quá là khổ. Bà con không thấy tự thương mình rồi thương con cháu mình ư?

Họ bảo, thử làm xem sao, nếu có vẻ làm được thì mới làm… theo. Họ vừa làm vừa thăm dò.

Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)- Ảnh 10.

Con đường uốn lượn qua nhiều tán cây cổ thụ, các dãy núi xanh thắm.

Làm Trưởng bản Tả Xáy từ năm 1997, đến năm 2006 Thào A Quả sang làm Bí thư Chi bộ. Từ hồi có 1 Đảng viên, nay xóm, với 42 hộ, đã có 9 Đảng viên, mấy cháu đang học cấp 3 rồi. Anh tự hào, vì giờ đã mở được đường từ đường Quốc lộ vào tận xóm, vào các gia đình ở khu trung tâm. A Quả và bà con đang phấn đấu mở thêm các tuyến đường "ngựa" (không đi được xe máy) bao năm khổ sở trong khu vực này nữa là xong.

Cảm động trước sự quyết tâm và bản lĩnh của bà con, huyện, xã, các đơn vị quân đội đã "đỡ đầu", giúp đỡ rất nhiều. Riêng nhà báo Tạ Hoài Phương, đã đem cho xóm 6 tấn xi-măng, vận động qua mạng xã hội được 28 triệu đồng, thêm một cái loa lớn để sinh hoạt cộng đồng. Ai cũng thích.

Thấy việc làm đường hữu ích quá, dần dà, toàn dân Tả Xáy đều nhiệt tình xông pha đi mở đường. Mỗi khi xin được xi măng từ huyện, từ các nhà hảo tâm, là bà con cơm đùm cơm nắm ra phá đá mở đường. Xăng chạy máy nghiền đá cũng có người đài thọ. Họ làm chung, nhưng bữa tới thì mỗi người mở ra một gói "cơm nắm" riêng. Ai có hộp mở hộp, ai có túi mở túi, đồ nhà mình mang theo, tự khắc sẽ ngồi ăn cạnh bà con mình. Bữa "liên hoan tập thể" ngoài công trường. Họ góp đồ ăn chuẩn bị sẵn của mình vào, đặt cả lên gờ đá. Mời nhau, chia nhau, cùng thử món "gia truyền" của các nhà hàng xóm.

Các đồng chí bên Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng, không chỉ góp của (xi-măng) mà họ còn góp cả công. Năm 2018, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng "từ thiện" luôn cho 700m đường bê tông, cho 70 cán bộ chiến sỹ làm việc cực kỳ vạm vỡ suốt 7 ngày. Mỗi năm đường lại dài ra thêm một khúc. Không có tiền, không có máy móc cắt cua, nắn cua, thì cứ để đường cong như sợi chạc buộc bò đi. Không mở to nó tốn đá nghiền, tốn xi măng, thì đường bé xíu - rộng chỉ hai gang tay - cũng được.

Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)- Ảnh 11.

Thật ra, Thào A Quả đã "mắm môi mắm mỏ" cùng bà con mở được nhiều đoạn đường cho ngựa đi (chứ xe máy, ô tô không đi được) từ năm 2000. Tức là 25 năm trước, khi A Quả mới được bầu làm Trưởng thôn Tả Xáy.

Từ năm 2000, anh Quả đã ra huyện xin thuốc nổ, xin búa tạ, xà beng về phát cho dân, cùng nhau mở đường ven núi. Đường đi qua ruộng nương nhà ai, thì hộ ấy nhớ phải hiến đất cho sự nghiệp chung. 3km đường cho ngựa đi được, ngựa thồ vật liệu vào xây điểm trường Tả Xáy gồm 5 phòng học vào năm 2004. Bà con vui, cán bộ vui.

Cô giáo Thu, một giáo viên hợp đồng "cắm bản" Tả Xáy, cô vừa dạy vừa lo hết hợp đồng thì "ra đường". Ra đường cũng phải cam tâm, nhưng cô bảo, em nhớ nhất là những năm gắn bó với học trò dễ thương ở Tả Xáy. Nhớ những ngày, những đêm đi bộ bịt bùng, những lúc mưa gió khóc dọc đường núi để đến với các bé thơ trên điểm trường. 

Hôm nay, uống rượu ở nhà Bí thư thôn, má cô giáo đỏ bừng: chồng con em cũng hy sinh quá nhiều, ông bà nội ngoại quá vất vả để chăm sóc các con em. Để em được leo núi vào đây dạy học mỗi ngày. Thào A Quả có vẻ rất thương cảm: "Giờ tôi phấn đấu, biến cái đường cho ngựa đi kia thành đường xe máy nữa là mãn nguyện, nhà báo ạ".

Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)- Ảnh 12.

Thào A Quả, cả lúc làm Trưởng xóm, và nay là Bí thư Chi bộ, luôn nhận được nhiều Giấy khen của tỉnh, huyện.

A Quả thật thà: "Xóm vẫn 100% bà con thuộc hộ nghèo, tôi phấn đấu trở thành hộ cận nghèo thành công rồi. Chúng tôi cũng xây được 35 bể dự trữ nước mưa. Thành công tới đâu, ta vui tới đó. Và bà con khí thế lắm".

Bà con bảo nhau, mắm môi mắm mỏ mà làm, làm đường cho mình và con cháu mình đi, tại sao không? Đường ngựa mở rồi, giờ phấn đấu cải tạo nó thành đường xe máy là xong. Thôn có hai xóm, xóm trên kia chừng 20 hộ, đường xe máy chưa lên được. Người xóm tủng tâm áy náy với bà con trên kia lắm. Họ phấn đấu mở đường tiếp.

Thào A Quả và kỳ tích 25 năm mở đường (Bài 3)- Ảnh 13.

Đang vui, có người nói về bọn truyền đạo trái phép, anh Quả bỗng trăn trở, giống như đang giận lắm, nói với kẻ xấu. Rằng: Chúng nó đến dụ dỗ bà con theo đạo trái phép. Tôi vận động không cho bà con theo. Năm ngoái, vẫn có 3 người từ Sơn La sang, nó bảo, đi theo đạo của nó sẽ sướng hơn. Khi chết đi, không phải giết bò mổ lợn tốn kém. Bà con nghe cũng xuôi xuôi. Bí thư Thào A Quả theo sát tìm hiểu. Thì thấy nó bảo: phải đóng tiền để theo "đạo" của nó. Phải phá bỏ bàn thờ tổ tiên nữa. Anh quả quyết, đúng là quân lừa đảo, bạc ác, phản động. Thế không thờ cha mẹ tổ tiên, thì chúng mày sinh ra từ đâu?

Nói là làm, A Quả bảo, các anh đi đi. Tôi đã báo Công an xã, Công an huyện rồi đấy. Họp giao ban Bí thư Quả cũng nói lại cái phức tạp này và đề nghị bà con phải hết sức cảnh giác. Có hộ, do không thể vận động được họ, khi họ một mực theo đạo trái phép. 

Cuối cùng, vừa báo cáo cơ quan chức năng xử lý, A Quả vừa bảo: Nếu quyết tâm theo "cái đạo ấy" thì anh đi chỗ nào mà anh cho là đông vui mà sinh sống. Chứ ở bản này, không làm thế được đâu. Thế là anh ấy chuyển vào trong B.L ở hẳn rồi.

Tránh xa đạo trái phép, loại trừ hủ tục - những nội dung mà theo Thào A Quả là mấu chốt để dân bản phát triển được. Từ năm 2001, được cấp trên cho đi học tập kinh nghiệm, nghe phổ biến chủ trương, Trưởng thôn A Quả đã vận động bà con thay đổi nhiều điều quan trọng. 

Không sinh con tại nhà dùng thanh nứa cắt rốn… rất nguy hiểm và mất vệ sinh. Không để người quá cố 5 - 7 ngày tại nhà rồi treo thi thể lên để khóc than nữa. Mà phải đặt vào quan tài hẳn hoi, làm lễ tưởng nhớ tri ân xong thì đem mai táng theo đúng quy định. Vừa trang trọng, vệ sinh, đúng chủ trương đường lối, mà "cũng tốt hơn cho cả người quá cố lẫn người đang sống". Bà con nghe theo anh Quả từ bấy.

Anh đã làm tất cả để bà con mình bớt khổ

Anh Vừa A Quả, Trưởng thôn Tả Xáy nói: Bí thư Thào A Quả luôn là một người tâm huyết với dân, với bản. Anh dành nhiều thời gian vận động, thực hiện việc xây dựng đường bê tông trong thôn. Từ tấm gương đồng chí Quả, nhiều tổ chức cá nhân đã nhiệt tình ủng hộ nhiều xi măng và nhân lực. Anh trực tiếp đi nghiền đá, trộn bê tông, trải mặt đường. Đường vào Tả Xáy được cải thiện "một trời một vực" như hiện nay là nhờ công đầu của anh Quả.

Tôi đã chứng kiến đồng chí Quả đã không quản vất vả, cả ngày lẫn đêm, đến từng nhà thuyết phục từng người đi theo con đường đúng, cách làm hay. Anh đã làm tất cả để bà con mình bớt khổ.

Đón đọc: Tranh thờ của người Dao, những mạch ngầm vàng son vô giá (Bài 4)