Chuyến hành trình gây tò mò trên hội nhóm của những người đam mê du lịch. (Ảnh: Trung Kbiaern)
"Phượt" Hà Giang, đổ đèo bằng xe máy được coi là thử thách đầy chông gai, hiểm trở mà các "tín đồ xê dịch" thích chinh phục phải vượt qua. Ngoài độ dốc cao, từng con đường đèo còn khiến các phượt thù dè chừng bởi sự quanh co tựa như dải lụa mềm đang vắt ngang qua "miền địa đầu Tổ quốc".
Đã từng đến Hà Giang hơn 20 lần, thử thách "tay lái" tại hàng loạt đỉnh đồi, đèo núi khác nhau nhưng lần trở lại Hà Giang này của anh Đào Trung Kiên (1985, Hà Nội) mang đến trải nghiệm khám phá hoàn toàn khác biệt, bởi anh lựa chọn đi bộ thay vì đi bằng xe máy, xe ô tô. Đồng hành cùng anh Kiên trên chuyến đi này còn có bà Vũ Liên (1960, Hà Nội), anh Nguyễn Tứ (1988, Thái Bình) và anh Lê Hoài Nam (1988, Ninh Bình). Cả đoàn 4 người xuất phát từ cột mốc km số 0 Hà Giang vào sáng ngày mùng 4 Tết, kết thúc hành trình vào chiều mùng 9 tại sông Nho Quế. Tổng quãng đường đi bộ là 166 km.
Sau 3 ngày cuốc bộ, cả đoàn cách điểm xuất phát 97km. (Ảnh: Lien Vu)
Ý tưởng đi bộ này đã được anh Kiên lên kế hoạch, đăng bài tuyển thành viên từ nhiều năm trước nhưng đến nay mới có cơ hội thực hiện. Chia sẻ với Dân Việt, anh Đào Trung Kiên cho biết: "Tôi có một tình yêu đặc biệt với mảnh đất địa đầu Tổ quốc, trước đây tôi đã đi Hà Giang rất nhiều, cũng phải 20 lần rồi. Tôi đã lên ý tưởng đi bộ từ vài năm trước. Năm 2023 chuẩn bị đi thì vợ mang thai nên tôi không đi được. Năm ngoái con còn quá nhỏ, nên năm nay mới bắt đầu thực hiện.
Khi đăng tuyển trên nhóm xem có anh em thân quen hay tín đồ ưa khám phá nào đi cùng không, may mắn là có thêm 3 người "xung phong" đi cùng. Vậy thì nhóm bắt đầu lên đường thôi. Chúng tôi có 4 người, độ tuổi thấp nhất là sinh năm 1988, độ tuổi cao nhất là sinh năm 1960 – năm nay 65 tuổi. Trước đây tôi có thử sức đi bộ từ Sa Pa đến Y Tý rồi leo núi Nhìu Cồ San, tuy "nhẹ nhàng" hơn nhiều nhưng cũng đầy thử thách bởi kết hợp cả leo núi, trekking."
Một chuyến đi nhiều cảm xúc và rất đặc biệt. (Ảnh: Trung Kbiaern)
Khác với việc tập luyện đi bộ, chạy bộ ở đồng bằng, cả đoàn phải "làm quen" với địa hình thực tế hiểm trở, gồ ghề đầy cam go. Trên lưng mỗi người đều phải đeo balo hành lý "nặng trịch" khiến thử thách trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bà Liên mang 8 kg đồ đạc cá nhân, 3 người còn lại mang cả máy móc chụp ảnh, quay phim, tổng cộng khoảng 15 kg. Trước khi đến từng cung đường, cả đoàn sẽ ngồi họp bàn để thống nhất các điểm đi vào tối hôm trước.
Anh Kiên cho biết, cung đường ở Hà Giang có nhiều bản làng, mỗi bản cách nhau thường không quá 5-7 km – đường trekking ngang tầm một ngọn núi. Do đó, cả nhóm không mang nhiều đồ ăn, mỗi người 2 chai nước nhỏ và 1 gói bánh dự trữ. Dù không nghỉ giải lao quá nhiều lần song có những dốc cao đứng phải trekking giữa trời nắng, cả đoàn leo khoảng 500 m – 1 km sẽ nghỉ 1 lần rồi lại tiếp tục "chinh chiến".
Gần 70 tuổi, là dược sĩ đã về hưu, bà Vũ Liên cho rằng cảm giác được chinh phục từng cung đường bằng việc đi bộ này mãn nguyện "không có gì bằng". (Ảnh: Lien Vu)
Trong quá trình di chuyển, anh Kiên cùng các thành viên khác trong đoàn không đi theo đường lộ nhiều, phần lớn đi vào các bản làng, tìm đường tắt vẽ trên bản đồ rồi đi. Theo anh Kiên, ngày Tết nên du khách đổ về rất đông, xe ô tô và các phương tiện khác có thể gây nguy hiểm cho người đi bộ. Cả đoàn tìm đường phía trong để đi được an toàn, thậm chí bò núi đá chiếm khoảng 30% quãng đường. Có những ngày mất 9-10 km bò núi đá, còn lại là đi đường mòn.
1 tuần chinh phục các cung đường Hà Giang bằng hình thức "đi bộ", đoàn 4 người "nhận về" không ít tò mò thắc mắc của người dân bản địa cùng du khách trong và ngoài nước. "Nhiều lúc đi trên đường, có người tốt bụng, người ta đỗ xuống cho đi nhờ xe. Lúc đó thì chúng tôi cười nói vui với họ rằng: "Bọn cháu mất bao nhiêu tiền để được đi bộ đấy", xong rồi gửi lời cảm ơn, xin họ thêm chai nước thôi, thế là họ cũng hiểu. Nếu mà đi ra đường lộ có rất nhiều đoàn khách Tây, khách Việt, họ hỏi là có mệt không? Thỉnh thoảng gặp những đoàn khách đi xe đạp, mọi người cũng hay dừng lại giao lưu một tí, hỏi thăm nhau", người đàn ông sinh năm 1985 kể lại.
Cả nhóm khi leo trèo qua bản làng, qua ruộng nương, qua những mỏm đá tai mèo để tránh đường quốc lộ. (Ảnh: Lien Vu)
So với việc khám phá Hà Giang bằng các phương tiện giao thông như trước đây, khi đi bộ trên từng cung đường đèo khiến anh Đào Trung Kiên cảm nhận được sự khác biệt to lớn. 4 "phượt thủ" đi vào từng ngóc ngách của các bản làng xa xôi, trò chuyện và ăn uống cùng với người dân bản địa. Những đỉnh đồi, đỉnh núi thường không có người đi xe máy lại là "mục tiêu" khiến các "đôi chân xê dịch" U40, U70 này chọn men theo để đi xuống. Nơi đó có những mảng đá tai mèo đặc biệt và độc đáo khiến cả đoàn "thu trọn" cảnh sắc thiên nhiên vào trong tầm mắt với một góc nhìn khác lạ rất nhiều so với trước đây.
Với họ, đây còn là cơ hội để thử sức kiên trì của bản thân. Gần 70 tuổi, là dược sĩ đã về hưu, bà Vũ Liên cho rằng cảm giác được chinh phục từng cung đường bằng việc đi bộ này mãn nguyện "không có gì bằng". "Chị ấy thậm chí nói rằng, đến lúc già yếu rồi cũng chẳng thể nào lặp lại được những kỳ tích, những cảm xúc và những kỷ niệm trên cung đường đi như thế này nữa", anh Kiên đầy tự hào nhớ lại.
Khi đi bộ vào từng bản làng, cả đoàn có cơ hội gần gũi với người dân. Theo bà Liên, người miền núi sống rất đơn giản và rất chậm. Cuộc sống của họ rất vất vả, nhưng họ cực kỳ tốt bụng, giúp người lạ không chút vụ lợi. (Ảnh: Trung Kbiaern)
Từng mổ dây chằng vào năm 2019, nhưng vết thương mổ đã thành tật bởi bị nhiễm trùng, anh Đào Trung Kiên phải tập đi trong suốt 2 năm ròng.
Chia sẻ về khó khăn gặp phải trên hành trình dài 1 tuần của mình, anh Kiên cho hay: "Đi bộ sẽ dễ xảy ra chấn thương hơn là mình chạy bộ ở đồng bằng, vì nó cứ âm ỉ, giống như "nước chảy đá mòn". Ngày đầu tiên, chúng tôi đi từ cột mốc km số 0 đến chân dốc Bắc Sum (xã Minh Tân) và nghỉ ở homestay.
Lúc đó cơ thể chưa quen nên rã rời, đau đớn, balo nặng trên lưng nó đè xuống chân khiến tôi gần như không lết được. Sau đó chuyển sang ngày thứ hai, tôi dính mưa nên sốt cao, lúc này vết thương mổ dây chằng bắt đầu đau. Ngày thứ ba thì cơ thể đã phản xạ dần nên cảm thấy ổn hơn. Tiếp đó ngày thứ tư và thứ năm, tôi thấy khỏe hơn nhiều, càng đi càng khỏe.
Dốc Thẩm Mã nhìn từ lưng chừng núi. (Ảnh: Lien Vu)
Thỉnh thoảng vết thương tái lại, nó đau liên tục. Vì là chấn thương vật lý, thiếu mất vật lý cho nên tôi không đi, ở nhà nó vẫn đau. Nếu không tập đi nhiều, cái chân tự động teo cơ lại, thế nên tôi phải tập luyện nhiều để cái cơ cái bắp nó khỏe, đỡ cho cái gối. Nếu nói về khó khăn nhất, đó là con đường từ dốc Cán Tỷ đi tắt xuyên qua con đường gọi là đường "ngựa thồ", xuyên qua làng Sảo Há (huyện Đồng Văn). Ngày đó phải trekking rất nhiều, tính ra quãng đường phải tương đương với độ khó của 3 ngọn núi thuộc top khó nhất Việt Nam.
Khi bị sốt, cộng với vết thương rất đau nên tôi mệt lắm, suốt dọc đường không ăn được gì, dậy là chỉ biết lết lết thôi, không còn nhớ mình đi bằng gì. Nhưng đã từng có kinh nghiệm leo núi nên tôi hiểu được sức lực của bản thân, tôi biết mình còn đi được, chưa hết sức đâu vì giống như người ta bảo: lúc mình mệt là lúc mình chỉ đang sử dụng 40% sức lực thôi. Nên tôi uống thuốc hạ sốt rồi lại đi tiếp, ngày hôm đó đi khoảng tầm 27 cây."
Trên hành trình di chuyển, cả đoàn ghé vào ăn trưa cùng một gia đình người H’mong ở làng Sảo Há với những món truyền thống như mèn mén, thắng cố; tìm hiểu phong tục tập quán của họ và nếm thử mật ong rừng, mật ong bạc hà. (Ảnh: Lien Vu)
Vì chân đau lại mang vác đồ nặng nên có những ngày anh Kiên phải tách đoàn đi càng nhanh càng tốt, bởi độ tì đè của balo kéo dài sẽ khiến người đàn ông sinh năm 1985 này không thể "cầm cự" được. Lúc đó, anh Kiên cắt cử, giao nhiệm vụ cho người còn lại đi cùng bà Liên, không để bà đi một mình. Sau đó anh đi thật nhanh đến các điểm đã xác định nghỉ chân để lo việc cơm nước, ăn uống cho cả đoàn trước khi tiếp tục các chặng đường dài khác. Dù trên núi không có GPS, không có mạng nhưng chưa khi nào đoàn bị lạc nhau bởi đã thống nhất về hướng đi và địa điểm nghỉ chân trước đó.
Nói về người phụ nữ duy nhất và cũng là thành viên lớn tuổi nhất của đoàn, anh Kiên cho biết sức bền của bà Liên rất tốt, bởi bà từng là dược sĩ đã tập luyện nhiều và rất chú trọng vào sức khỏe. "Chúng tôi cũng có vác bớt đồ để chị ấy thấy nhẹ nhàng hơn. Tuy đi không nhanh nhưng chị Liên đi đường trường suốt cả ngày dài mà không cảm thấy mệt hay kiệt sức. Tôi rất khâm phục tinh thần và sức bền của chị ấy. Có những cung đường dốc khó nhằn, chúng tôi xác định là phải trekking. Chúng tôi bò, leo với tốc độ cao, chân người nọ đạp đầu người kia luôn nhưng vẫn phải cố đi", anh Kiên kể.
Mỏm đá tử thần với đường đi một bên là vách đá, một bên là vực, trời mưa phùn, sương mù dày đặc. (Ảnh: Lien Vu)
Trong suốt 1 tuần, dù tối hôm trước có người ngủ muộn và người ngủ rất sớm thì 5 giờ sáng hôm sau tất cả đều thức dậy, ăn sáng vào lúc 5 rưỡi và bắt đầu "khởi hành" các cung đường đã vạch ra khi đồng hồ điểm 6 giờ sáng. Quyết định có phần "táo bạo" này khiến cả đoàn nhận được nhiều hơn là mất, bởi khi về, cả tinh thần và thể lực đều được nâng cao, cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn so với trước đây. Với anh Đào Trung Kiên, việc đi bộ du lịch giúp anh trải nghiệm sự đau đớn về thể xác để sinh ra năng lượng và vực dậy tinh thần của bản thân.
Chia sẻ khi kết thúc hành trình vào chiều mùng 9, anh Kiên cho biết: "Khi về đến nhà, các thành viên đều rất thích thú, không có ai kêu khổ. Thực ra, khi tôi đi, cơ thể lúc nào cũng ở trong trạng thái cố gắng và sản sinh ra những gì để chống chọi với đau đớn, nên khi về, cảm giác người rất nhẹ. Tôi thấy công việc hay mọi thứ cũng không còn khó khăn nữa, tinh thần mình cũng được nâng cao, cảm thấy sảng khoái.
Một quyết định "táo bạo" nhưng khi trở về, cả đoàn đều cảm thấy sảng khoái, vui vẻ hơn. (Ảnh: Trung Kbiaern)
Khả năng của con người gần như là vô hạn, khi mình kích thích nó đến đâu thì bắt đầu mới phát huy được khả năng đó. Với những bạn đang còn ngại ngùng chưa dám thử thách bản thân ở một sự trải nghiệm hay hình thức mới, tôi mong các bạn hiểu rằng mình là một cỗ máy gần như vô hạn của vũ trụ, hãy cứ thử đi, ai cũng có thể thành công. Tuy nhiên, hình thức này sẽ không phù hợp với những người có tiền sử về bệnh tim mạch vì khi lên cao không khí lạnh và rất loãng gây thiếu oxy, ảnh hưởng đến tim mạch nhiều."