Dân Việt

Nơi này của Lâm Đồng, cả làng người K'Ho dệt thổ cẩm, khách du lịch tới luôn, bà con có thêm thu nhập

Văn Long 10/02/2025 13:03 GMT+7
Với cách làm đưa du khách vào tham quan làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống thôn Đam Pao của người K’Ho Cil, chính quyền huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã giúp người dân có thêm thu nhập và giữ được nghề của người xưa.

Từ giữ nghề truyền thống...

Đam Pao là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’Ho Cil tại xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận từ năm 2011. Đây là làng nghề với 50% dân số là người dân tộc thiểu số K’Ho.

Mặc dù hiện nay, nhu cầu về trang phục thổ cẩm đã không còn nhiều nhưng những người dân ở đây vẫn giữ được nghề truyền thống của "tổ tiên" để lại. Đây cũng là một nét văn hóa độc đáo hấp dẫn du khách tham quan của thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn.

Đưa khách tham quan làng dệt thổ cẩm của người K’Ho, giữ được nghề lại có thêm thu nhập - Ảnh 1.

Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Đam Pao được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận từ năm 2011.

Khác lạ so với khung cảnh bình yên của các làng quê khác, khi có mặt tại Đam Pao, phóng viên vẫn thấy những chiếc xe chở khách du lịch đến đây tham quan. Hỏi thăm thì được biết, đây là khách tham quan, trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân địa phương.

Trao đổi với phóng viên, bà Long Dinh K’Thin (73 tuổi, thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn) cho biết, để làm được những tấm vải thổ cẩm nhiều màu sắc, chúng tôi phải có cách riêng để làm màu nhuộm chỉ. Ngoài ra, có những "quy định ngầm" của người xưa để lại cũng phải tuân theo.

Đưa khách tham quan làng dệt thổ cẩm của người K’Ho, giữ được nghề lại có thêm thu nhập - Ảnh 2.

Nhiều người đã đến làng nghề dệt thổ cẩm Đam Pao để tìm hiểu cách làm thổ cẩm truyền thống của người K'Ho Cil.

"Chúng tôi thường sử dụng củ nghệ, lá xoài, hạt quả cà ri... và đặc biệt không thể thiếu lá T’răm để nhuộm màu cho chỉ. Trong thời gian làm nước nhuộm vải không được ăn thịt bò, thịt trâu, khu vực làm nước cũng không được cho người khác vào. Đặc biệt, trong quá trình 3-5 ngày làm nước thì người làm cũng không được tắm, đảm bảo cách làm truyền thống của ông cha để lại", bà Long Dinh K’Thin nói.

Trong khi đó, bà K’Yồng (57 tuổi, thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn) cho hay: "Ngồi kéo sợi, rồi dệt những sợi chỉ rất nhỏ để tạo thành tấm vải thổ cẩm đủ may đồ thì rất lâu, chân, tay rồi lưng cổ đau mỏi lắm. Chính vì vậy, giá của những tấm vải thổ cẩm rất cao vì nó khó làm, công làm mất nhiều.

Trung bình, 2 miếng vải thổ cẩm đủ để may 1 bộ đồ của người K’Ho có giá thành từ 1,8-2 triệu đồng".

Đưa khách tham quan làng dệt thổ cẩm của người K’Ho, giữ được nghề lại có thêm thu nhập - Ảnh 3.

Những tấm vải thổ cẩm đã giúp cho nhiều người dân tại thôn Đam Pao có thêm việc làm, thu nhập.

Những người làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Đam Pao cho biết, những sự kiện, lễ hội trong buôn làng của người K’Ho đều có sự hiện diện của trang phục thổ cẩm. Đặc biệt, trong sính lễ bắt chồng, nhà trai thường yêu cầu nhà gái phải có số lượng thổ cẩm nhất định.

Nghề dệt thổ cẩm được các bà, mẹ truyền lại cho con, cháu trong nhà từ khi còn chưa đi bắt chồng. Vì thế, "công thức", bí quyết, kinh nghiệm dệt thổ cẩm đều được những mẹ, người phụ nữ trong làng nắm giữ, truyền lại cho đời sau để nghề không bị mai một.

Đến việc làm, thêm thu nhập

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà, hiện nay thôn Đam Pao có 168 lao động/125 hộ làm nghề dệt thổ cẩm. Hiện, 168 người này có 12 nghệ nhân cấp tỉnh được công nhận nhưng chỉ có gần 40 lao động thường xuyên. Thu nhập bình quân/người/tháng đạt khoảng 3 triệu đồng.

Đưa khách tham quan làng dệt thổ cẩm của người K’Ho, giữ được nghề lại có thêm thu nhập - Ảnh 4.

Thu nhập bình quân/người/tháng của những nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống tại Đam Pao đạt khoảng 3 triệu đồng.

Hiện, huyện Lâm Hà đã khảo sát, nghiên cứu, lập kế hoạch để hỗ trợ đầu tư vào việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, huy động và lồng ghép nhiều nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển nghề, làng nghề giai đoạn từ năm 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt, việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề không chỉ đơn thuần là tạo thêm nhiều việc làm cải thiện thu nhập cho lao động nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo một cách bền vững mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cư dân bản địa.

Đưa khách tham quan làng dệt thổ cẩm của người K’Ho, giữ được nghề lại có thêm thu nhập - Ảnh 5.

Trang phục thổ cẩm được sử dụng trong các lễ hội, ngày trọng đại của người K'Ho Cil.

Theo bà Chế Phương Nam – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Hà, để duy trì, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm thì trong đề án phát triển du lịch huyện Lâm Hà đã chọn Đam Pao là điểm đến trong tour du lịch cộng đồng. Từ đó, tạo đầu ra cho nghề dệt thổ cẩm, quảng bá nghề này đến với du khách.

Đưa khách tham quan làng dệt thổ cẩm của người K’Ho, giữ được nghề lại có thêm thu nhập - Ảnh 6.

Thổ cẩm truyền thống của người K'Ho được sử dụng trong lễ cưới.

"Chúng tôi kết nối với các nhà thiết kế để thiết kế các bộ trang phục có kết hợp với thổ cẩm. Trang phục này đã được các thanh niên, người đồng bào sử dụng trong các dịp lễ hội, ngày cưới, ngày trọng đại của người dân tộc. Đó là điều kiện để quảng bá hiệu quả nhất cho sản phẩm thổ cẩm đến với du khách và tạo điều kiện cho nghề dệt thổ cẩm phát triển hơn nữa", bà Chế Phương Nam thông tin.

Theo UBND huyện Lâm Hà, từ năm 2021-2024, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm 6,92% (tương đương giảm 2.679 hộ). Trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều người tân tộc thiểu số giảm 18% (tương đương giảm 1.375 hộ).

Công tác giảm nghèo đã góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách, chênh lệch giữa các vùng, các dân tộc, từ đó, giúp người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực nhằm phát triển sản xuất, chủ động vươn lên, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, ổn định xã hội tại địa phương.