Dân Việt

Chuyên gia phán gì về tên lửa "quái vật" mới của Triều Tiên?

Nguyễn Thái - Yonhap News 12/10/2020 13:55 GMT+7
Các chuyên gia hôm 11/10 nhận định, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới của Triều Tiên, xuất hiện trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động cầm quyền, có vẻ là sự tích hợp các công nghệ tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng. Các chuyên gia còn chỉ ra sự khác biệt giữa tên lửa "quái vật" mới và các ICBM trước đó. 

Video: Triều Tiên hé lộ tên lửa "quái vật" trong cuộc duyệt binh hôm 10/10. Nguồn: France24

Hãng Yonhap News hôm 11/10 đưa tin, trong cuộc duyệt binh hồi cuối tuần qua, Triều Tiên đã hé lộ loại ICBM mới được chở bởi xe mang bệ phóng (TEL) có 22 bánh, nhiều hơn 4 bánh so với tên lửa Hwasong-15. 

Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng số lượng bánh xe và phần thân tên lửa dài hơn cho thấy trọng lượng tên lửa ICBM mới nặng hơn mẫu tên lửa trước đây. 

“Quả tên lửa đó đúng là một con quái vật”, Melissa Hanham, chuyên gia phân tích vũ khí hạt nhân tại tổ chức phi chính phủ Open Nuclear Network, nhận xét.

img

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của Triều Tiên trong cuộc duyệt binh hôm 10/10. Ảnh: Rodong Sinmun

Giáo sư Chang Young-keun, tại Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc, nhận định: "Chiếc TEL chở ICBM mới có 11 trục, nhiều hơn 2 trục so với TEL chở Hwasong-15. Tuy nhiên, các trục trên TEL của Hwasong-15 được sắp xếp với khoảng trống ở giữa, còn các trục trên TEL của tên lửa đạn đạo mới được chế tạo gần nhau hơn. Thiết kế của TEL chở ICBM mới cho thấy trọng lượng tổng thể của tên lửa đã tăng lên".

Giáo sư Chang còn cho rằng dù số lượng trục xe tăng lên 11 nhưng tổng chiều dài của tên lửa mới không tăng lên nhiều vì các trục xe được bố trí gần nhau hơn. 

"Theo nhận định ban đầu, những gì xuất hiện trên truyền hình cho thấy chiều dài tên lửa mới tăng thêm 1-2 mét và đường kính tăng thêm 30-40 cm", giáo sư Chang nói. 

Với chiều dài của Hwasong-15 là 21 mét, ICBM mới, được các quan chức quân sự tiết lộ là bản nâng cấp của Hwasong-15 hoặc Hwasong-16, có thể dài 22-24 mét.

Theo giáo sư Chang, đường kính tên lửa mới lớn hơn do phần động cơ của nó đã được nâng cấp. 

"Tên lửa ICBM mới là một tên lửa nhiên liệu lỏng. Có hai cặp động cơ trong giai đoạn đầu và giai đoạn 2 có thể có các động cơ mới mà Bình Nhưỡng đã thử nghiệm 2 lần vào tháng 12 năm ngoái", vị giáo sư tại Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc nhận định. 

Triều Tiên đã thực hiện 2 vụ thử động cơ tên lửa tại Trạm phóng vệ tinh Sohae, hay còn được biết đến với tên gọi khu thử Dongchang-ri, hôm 7/12/2019 và 13/12/2019, tuyên bố rằng các vụ thử sẽ có tác động quan trọng tới việc thay đổi vị trí chiến lược và củng cố  "chiến lược răn đe hạt nhân" của nước này. 

Giáo sư Chang cũng nhắc đến sự thay đổi ở phần trước của ICBM, trông tương đối sắc nét so với hình dạng tròn và không nhọn của Hwasong-15. 

"Sở dĩ chiều dài tên lửa mới dài hơn là do bộ phận tăng cường (PBV) được lắp đặt ở phía trước", giáo sư Chang nói và gọi "đây là một công nghệ mới. 

PBV được xem là công nghệ then chốt trong việc phát triển hệ thống đa đầu đạn, về mặt lý thuyết, cho phép Bình Nhưỡng tấn công đồng thời thủ đô Washington, D.C. và thành phố New York của Mỹ nếu chiến tranh xảy ra. 

Với những thay đổi mới nhất, ICBM mới được kỳ vọng sẽ có thể bay tương đương hoặc xa hơn phạm vi hoạt động của tên lửa Hwasong-15, loại được cho là có tầm bắn khoảng 12.800 km - có thể tấn công bất kỳ khu vực nào ở Mỹ.

img

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới của Bình Nhưỡng. Ảnh: SouthFront

Các chuyên gia cũng lưu ý về loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới của Bình Nhưỡng, cũng xuất hiện trong đoạn phim của Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên. 

SLBM mới, hay còn được gọi là Pukguksong-4, dường như có đường kính lớn hơn từ 2-3 lần so với tên lửa Pukguksong-1. Đường kính của nó cũng được xem là lớn hơn Pukguksong-3. 

"So với Pukguksong-1, đường kính của Pukguksong-4 lớn hơn 2-3 lần nhưng chiều dài của nó lại ngắn hơn để có thể phóng được từ tàu ngầm", Shin Jong-woo, một nhà phân tích cấp cao tại Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định. 

Phiên bản SLBM mới được dự đoán là chế tạo cho một tàu ngầm mới đang được sản xuất tại căn cứ hải quân Triều Tiên ở thành phố Sinpo. Tàu ngầm mới, nặng khoảng 3.000 tấn, được cho là có thể mang theo từ 3 đến 4 SLBM mới. 

Triều Tiên từng nhiều lần được cho là sẽ tung ra các "vũ khí chiến lược" mới, như ICBM hay SLBM, mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un cam kết sẽ "trình làng" trong thông điệp năm mới, trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ bị đình trệ.