Lên phương án sơ tán hàng vạn dân
Sáng nay (13/11), Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp ứng phó với cơn bão số 13 Vamco đang hướng vào miền Trung.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 13 Vamco. (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 10 giờ sáng 13/11, bão Vamco đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Dự báo, đêm mai (14/11) đến sáng sớm 15/11, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh miền Trung (dự báo từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi). Tuy nhiên, ngay từ trưa và chiều mai (14/11) bắt đầu có gió mạnh ở vùng ven biển. Đồng thời, bão được dự báo sẽ gây nước dâng, sóng lớn, rất nguy hiểm đối với tàu thuyền và các hoạt động trên biển, kể cả khu vực ven bờ.
Bão Vamco tiếp tục gây mưa to đến rất to tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ với lượng mưa khoảng 200-300mm, có nơi trên 350mm, trong đó có những khu vực vừa qua đã liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn nên nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét là rất cao, nhất là tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ sơ tán 161.000 hộ dân ven biển, khoảng 12 giờ trưa 14/11 sẽ sơ tán xong. Đối với khu vực miền núi có khả năng sạt lở lớn, tỉnh đã lên kế hoạch dự kiến sơ tán 10.000 hộ dân ở 93 điểm có nguy cơ cao.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng báo cáo, dự kiến sơ tán khoảng 19.000 hộ, khoảng đêm nay đến sáng mai (14/11) sẽ di dời xong.
Triển khai ứng phó với mức độ cao nhất
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ứng phó với bão số 13
Sau khi nghe các báo cáo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, diễn biến của bão số 13 còn rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, rất khó dự báo chính xác về khu vực, thời gian, cấp độ bão sẽ đổ bộ. Vì vậy, các ngành, các địa phương phải hết sức cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Tất cả các địa phương phải tập trung chuẩn bị và triển khai ứng phó với mức độ cao nhất theo phương án là bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa phương mình.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai phương án ứng phó bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, phương tiện và các hoạt động trên biển; tiếp tục rà soát, kêu gọi toàn bộ tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, tổ chức neo đậu tránh va đập. Đặc biệt cần triệt để sơ tán người dân và các lực lượng ra khỏi những nơi nguy hiểm, những nơi không bảo đảm an toàn, đồng thời tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ.
Trên khu vực đảo và đất liền, Phó Thủ tướng lưu ý các lực lượng cần chủ động triển khai chằng chống, gia cố bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu du lịch, trong đó đặc biệt lưu ý các khu nhà có các mảng kính lớn, các cột tháp cao.
Rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, nhất là các khu vực miền núi đã xảy ra mưa lũ lớn kéo dài trong cả tháng vừa qua để sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển đang thi công, khu vực sạt lở có nguy cơ cao ảnh hưởng đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời sự cố.
Video đường đi của bão số 13 - Vamco