Hình ảnh bà Mạnh ở sân bay Vancouver, Canada trước khi bị bắt.
Các luật sư viện dẫn báo cáo của Cơ quan Tình báo Canada (CSIS). Báo cáo được hoàn thành vào sáng 1.12.2018, vài giờ trước khi bà Mạnh bị bắt giữ tại sân bay Vancouver, theo SCMP.
CSIS biết rằng lệnh bắt bà Mạnh phải đến 16 giờ chiều mới có hiệu lực, các luật sư cho biết. Vậy nên hải quan Canada phải dùng các biện pháp kéo dài thời gian, yêu cầu kiểm tra hành lý và thẩm vấn bà Mạnh khi giám đốc tài chính Huawei có mặt tại sân bay vào lúc 11 giờ 30 phút.
Các luật sư cho rằng quyền cá nhân của bà Mạnh bị xâm phạm khi bà bị thẩm vấn và kiểm tra hành lý trước khi bị bắt. Phía luật sư cho rằng đây không phải là quy trình bình thường mà là hành động có sự phối hợp với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Thông tin về bản báo cáo dài 2 trang của CSIS được tiết lộ vào ngày 11.6, thông qua tòa án Canada. Tòa án đã chuyển báo cáo của CSIS từ lưu trữ "được chỉ định" sang lưu trữ công khai.
"Báo cáo của cho thấy CSIS không chỉ liên lạc với FBI mà còn có vai trò trong vụ bắt giữ bà Mạnh", các luật sư nói.
Theo các luật sư, báo cáo cũng nhắc đến việc bắt giữ bà Mạnh sẽ tạo ra “một cơn địa chấn trên khắp thế giới”. Báo cáo viết rằng “FBI không được công khai tham gia để tránh làm phức tạp vấn đề và vụ bắt giữ sẽ được cập nhật thường xuyên”.
Bà Mạnh hiện vẫn đang đấu tranh với tòa án Canada về khả năng bị dẫn độ sang Mỹ xét xử tội lừa đảo. Bà Mạnh hiện vẫn đang bị quản thúc tại nhà
Phiên tòa xét xử bà Mạnh ở Canada sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 15.6 tới và có thể kéo dài sang năm 2021. Vụ bắt giữ bà Mạnh làm trầm trọng mối quan hệ Mỹ-Trung.
Quan hệ Trung Quốc-Canada cũng bị tổn hại. Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu Ottawa trả tự to ngay lập tức cho bà Mạnh nhưng bị Thủ tướng Justin Trudeau bác bỏ.