Dân Việt

TQ: Hình ảnh vỡ đê ở Giang Tây xuất hiện, ông Tập lên tiếng

Vương Nam – Tân Hoa Xã 13/07/2020 00:25 GMT+7
Ngày 12.7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã đưa ra những hướng dẫn được cho là quan trọng trong công tác phòng chống, cứu trợ lũ lụt, theo Tân Hoa Xã.

img

Hình ảnh đê Guidaowei bị vỡ hôm 8.7 (ảnh: Xinhua)

Ông Tập chỉ ra rằng, mực nước sông Dương Tử, hồ Động Đình, Phiên Dương và nhiều hồ chứa khác đang ở mức nguy hiểm. Lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra ở một số địa phương như Trùng Khánh, Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Chiết Giang. Tình hình mưa lũ hiện nay là rất gấp rút.

Ông Tập nhấn mạnh, đây đang là thời điểm quan trọng nhất để kiểm soát mưa lũ ở Trung Quốc. Chính quyền địa phương phải làm tốt công tác cảnh báo sớm, đặc biệt là điều tra tình trạng đê điều, xử lý khẩn cấp tình huống không an toàn, hỗ trợ di dời cho người dân.

“Bộ Quốc phòng, Bộ Quản lý các tình trạng khẩn cấp và Bộ Thủy lợi cũng cần tăng cường phối hợp, cứu trợ người dân. Quân đội đồn trú ở các tỉnh thành và lực lượng cảnh sát phải tích cực tham gia vào cứu hộ, cứu trợ thiên tai”, ông Tập nói.

img

Con đê bị vỡ khiến nước tràn vào ngôi làng bên cạnh (ảnh: Xinhua)

Sau khi xảy ra tình trạng vỡ đê liên tục, huyện Phiên Dương, Giang Tây đã huy động nhiều lực lượng kết hợp với người dân để hỗ trợ khẩn cấp. Ở các vị trí đê bị vỡ, xe tải chở đất đá, máy xúc hoạt động suốt ngày đêm, ngăn nước lũ tiến sâu.

Hình ảnh hiện trường vỡ đê cho thấy, các phương tiện liên tục vận chuyển đất đá nhằm vá lại con đê. Khó khăn lớn nhất hiện nay là hộ đê trong điều kiện di chuyển rất khó khăn do mưa lũ.

Nhân viên cứu hộ ở Phiên Dương hoạt động theo ca 12 tiếng để đảm bảo công việc không khi nào ngừng nghỉ.

“Tôi không mệt cho lắm. Các đồng nghiệp của tôi cũng đang phải làm việc như vậy”, Li Qunqun, 27 tuổi, người lái máy xúc vá đê ở huyện Phiên Dương, chia sẻ.

img

Xe tải, máy xúc đang nỗ lực vá đê (ảnh: Xinhua)

Ở Cửu Giang, Giang Tây, chính quyền địa phương phải huy động người dân quay về làng để tham gia chống lũ.

“Tình hình mưa lũ rất khẩn cấp, quê hương cần sự giúp đỡ của bạn”, chính quyền Cửu Giang phát đi thông điệp.

2.000 thanh niên, trung niên đã có mặt ở Cửu Giang chống lũ. Những doanh nghiệp trên địa bàn Cửu Giang cũng được khuyến khích ủng hộ cho công tác hậu cần.

Ngày 12.7, mực nước sông Dương Tử đoạn chảy qua Cửu Giang đã ở mức 21,5 mét và đang dâng lên.

Những đợt mưa lớn cùng nước lũ từ sông Dương Tử đã khiến nhiều con sông, hồ chứa ở Giang Tây vượt cảnh báo lũ từ 5.7.

Xu Weiming – thư ký của Cơ quan kiểm soát lũ và hạn hán Giang Tây – cho biết, mực nước ở hồ Phiên Dương đã vượt mức kỷ lục trong trận “đại hồng thủy” năm 1998.

“Chúng tôi luôn đặt an toàn, sinh mạng của người dân lên hàng đầu và thề chiến đấu hết mình chống lũ”, ông Xu nói.

img

Công tác hộ đê ở Phiên Dương, Giang Tây đang được gấp rút tiến hành (ảnh: Xinhua)

Hồ Phiên Dương nằm ở phía Bắc tỉnh Giang Tây và bờ Nam sông Dương Tử. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất ở Trung Quốc và là hồ lớn thứ hai trong của nước này.

70% diện tích hồ Phiên Dương thuộc địa phận thành phố Cửu Giang, Giang Tây. Diện tích mặt nước đạt 3.283 km vuông khi mực nước hồ dâng cao 21,71 mét.

Hồ Phiên Dương có diện tích khoảng 162.225 mét vuông, chiếm 9% diện tích lưu vực sông Dương Tử. Nguồn nước hồ Phiên Dương phục vụ đời sống của khoảng 10 triệu dân.

Theo thông tin mới nhất, lũ lụt đã khiến hơn 5,2 triệu người ở Giang Tây bị ảnh hưởng, 432.000 người phải sơ tán, 167.000 người cần hỗ trợ khẩn cấp. Thiệt hại kinh tế đối với Giang Tây là hơn 630 triệu USD. Tính riêng ở Phiên Dương, có hơn 600.000 người bị ảnh hưởng do mưa lũ, vỡ đê.

Ở Phiên Dương, những người phụ nữ đã thành lập một đội hậu cần để hỗ trợ những người khác trong việc đối phó với lũ lụt. Những người phụ nữ sẽ nấu ăn, nấu chè đậu xanh, xúc cát vá bao tải và tuần tra đê. Trong khi đó, chồng và con trai họ tham gia hộ đê, cứu trợ những người còn mắc kẹt.

Những người phụ nữ cũng chịu trách nhiệm chăm sóc cho các binh sĩ được điều tới phòng chống lũ lụt ở Phiên Dương.

Giang Tây đã huy động được hơn 161.000 người tham gia chống lũ và cứu hộ. 3.771 phương tiện làm việc đêm ngày đã vận chuyển được hơn 200.000 mét khối đất đá nhằm tu sửa, gia cố các con đê.

“Boong boong boong… Đê bị vỡ rồi, nước lũ sẽ đổ về rất nhanh, mọi người mau di chuyển”, Huang Guolin – Bí thư làng Guihu, Phiên Dương – kể lại việc mình gõ chiêng giục người dân chạy lũ đêm 8.7.

9.000 người sau đó đã được di dời an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người mắc kẹt trong nhà.

img

Phụ nữ ở Phiên Dương cũng tham gia phòng chống lũ lụt (ảnh: Xinhua)

Tỉnh Giang Tây yêu cầu tất cả lực lượng trong địa bàn phải lăn xả chống lũ, đặt sự an toàn, tính mạng người dân lên hàng đầu. Phải xông pha, đứng mũi chịu sào trước thảm họa.

Bộ Thủy lợi Trung Quốc hôm 12.7 đã nâng mức ứng phó khẩn cấp lũ lụt lên cấp 2.

141 người đã thiệt mạng và mất tích do mưa lũ ở Trung Quốc, 2,25 triệu người phải di dời, 28.000 ngôi nhà bị cuốn trôi, 3,53 triệu ha hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại kinh tế do mưa lũ gây ra ở Trung Quốc đã lên tới 11,76 tỷ USD.

Trong diễn biến khác, đợt lũ đầu tiên của năm nay trên sông Hoàng Hà – con sông dài thứ 2 Trung Quốc – đã khiến con đê dài 2.100 ở Đặng Khẩu, Khu tự trị Nội Mông bị hư hại nghiêm trọng.