Một người da đen đứng trước nhóm cảnh sát chống bạo động tại Mỹ (ảnh: AP)
Các vụ biểu tình liên quan đến phân biệt chủng tộc ở Mỹ có lẽ đã không còn xa lại với một số nước châu Âu. Tuy nhiên, diễn biến biểu tình, bạo loạn, những vụ cướp phá, đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát Mỹ vẫn đang xuất hiện dày đặc trên các báo châu Âu.
Hàng nghìn người đã tập trung tại trung tâm London (Anh) để bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình Mỹ. Họ vô vang “không có công lý”, “không có hòa bình”. Đám đông biểu tình đã phớt lờ quy định cấm tụ tập của chính phủ Anh nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Người biểu tình ở Anh sau đó lại kéo tới trụ sở Đại sứ quán Mỹ. Một hàng dài cảnh sát đã được triển khai trước đại sứ quán Mỹ ở London để đề phòng những phần tử quá khích.
Ở Đan Mạch, người biểu tình cũng tụ tập trước Đại sứ quán Mỹ. Họ đem theo những tấm bảng với dòng chữ “dừng ngay việc giết hại người da đen”.
Đại sứ quán Mỹ tại Berlin (Đức) cũng là nơi người biểu tình kéo tới đòi công lý cho George Floyd – người đàn ông da đen bị cảnh sát đè cổ chết. Không có vụ đụng độ, đốt phá nào của người biểu tình ở châu Âu, sau cái chết của người đàn ông da đen tại Mỹ.
Biểu tình ở Mỹ lan sang Anh (ảnh: Daily Mail)
Bild – tờ báo bán chạy nhất của Đức đã đăng hình Derek Chauvin – cảnh sát trực tiếp đè gối lên cổ George Floyd – và cáo buộc ông này là “kẻ giết người”. Tờ báo này miêu tả, tình cảnh ở Mỹ hiện không khác gì một cuộc nội chiến.
Tại Trung Quốc, báo giới và một số quan chức nước này cũng tranh thủ cơ hội để “mỉa mai” tình cảnh ở Mỹ.
Hồ Tích Tiến – Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc – đăng trên Twitter rằng: “Bắc Kinh liệu có nên ủng hộ các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Mỹ như Mỹ từng ủng hộ biểu tình tại Hồng Kông hay không?”
Hoa Xuân Oánh – quan chức ngoại giao Trung Quốc – đăng trên Twitter dòng trạng thái: “Tôi không thể thở” (câu nói của George Floyd trước khi qua đời).
Mạng xã hội Weibo, hãng tin Sina và Nhân dân Nhật báo Trung Quốc cũng đăng tải các video cho thấy cảnh cảnh sát Mỹ đụng độ với người biểu tình và thu hút hàng chục triệu lượt xem.
Vệ binh quốc gia tại Mỹ được huy động trong cuộc biểu tình (ảnh: AP)
Tại Iran, truyền hình nhà nước liên tục phát sóng hình ảnh và tin tức về tình trạng bất ổn ở Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, cái chết của Floyd chỉ là một trong hàng loạt các trường hợp tương tự xảy ra tại Mỹ trong những năm gần đây.
“Sự việc cho thấy bạo lực phi lý từ cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Cảnh sát Mỹ thường xuyên có những hành động như vậy”, theo Bộ Ngoại giao Nga.
Báo giới Bắc Triều Tiên chỉ cập nhật thông tin về biểu tình tại Mỹ và không đưa ra bình luận trực tiếp nào liên quan đến chính quyền Tổng thống Trump.
Ở New Zealand, 2.000 người biểu tình đã kéo tới lãnh sứ quan Mỹ tại thành phố Auckland để ủng hộ chống phân biệt chủng tộc. 500 người khác cũng tụ tập biểu tình ở Christchurch, New Zealand.
Cảnh sát Canada - nước láng giềng với Mỹ - đã đụng độ với người biểu tình ở thành phố Montreal.