Wang Yushu từng sẵn sàng cho nhiệm vụ ở Đài Loan.
Vào một ngày đầu tháng 10.1950, khi gió mùa thu vừa chớm đến tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc, thanh niên Wang Yushu, 18 tuổi, binh sĩ đóng quân ở Tuyền Châu, được lệnh thu dọn tư trang để lên mặt trận đông bắc ngay lập tức, theo SCMP.
Wang là thành viên trong đội tuyên truyền văn hóa và chính trị của quân đội Trung Quốc, phục vụ chiến dịch thống nhất Đài Loan, vào đầu năm 1950.
Mọi người trong đội tuyên truyền đều nói giọng giống người bản địa ở Đài Loan, mục tiêu của họ là lan truyền thông điệp giải phóng Đài Loan.
“Nhóm của tôi khi đó lẽ ra phải vượt eo biển Đài Loan, nhưng chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, kế hoạch bị hoãn lại”, ông Wang nói.
7 thập kỷ sau, chiến tranh Triều Tiên có lẽ đã kết thúc, nhưng kế hoạch thu hồi đảo Đài Loan thì vẫn chưa thể trở thành hiện thực và là sự nuối tiếc của những cựu chiến binh Trung Quốc ở thời điểm đó như ông Wang.
Chiến tranh Triều Tiên nổ ra chỉ một năm sau khi lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đánh bại quân Tưởng Giới Thạch, giải phóng đại lục.
Chiến tranh Triều Tiên nổ ra khiến Trung Quốc mất cơ hội mở chiến dịch thu hồi Đài Loan.
Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào ngày 1.10.1949, còn Tưởng Giới Thạch và tàn quân phải rút sang Đài Loan.
Ở thời điểm đó, Mỹ không có phản ứng về cuộc nội chiến ở Trung Quốc và hứa sẽ không can thiệp.
Trung Quốc nhờ vậy càng tích lũy lực lượng và lên kế hoạch cho chiến dịch thống nhất Đài Loan.
Nhưng mọi chuyện thay đổi vào ngày 25.6.1950, khi lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành phát động chiến tranh Triều Tiên, đưa quân xuống phía nam và chiếm Seoul.
Chiến dịch chớp nhoáng của Triều Tiên gây chấn động thế giới. Liên quân Liên Hiệp Quốc do Mỹ lãnh đạo đổ bộ xuống bán đảo Triều Tiên.
Do lo ngại ảnh hưởng của Liên Xô mở rộng đến Đài Loan, Tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman đã điều hạm đội 7 đến eo biển Đài Loan, ngăn chiến dịch quân sự của quân đội Trung Quốc.
Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông không còn cách nào khác ngoài chuyển lực lượng đối phó với Đài Loan sang khu vực biên giới với Triều Tiên.
“Trong con mắt của Mao Trạch Đông, giải phóng Đài Loan là điều ông ấy muốn hoàn thành nhất trong cuộc đời”, Shen Zhihua, giáo sư Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói. “Nhưng sự xuất hiện của hạm đội 7 của Mỹ đã ngăn chặn kế hoạch giải phóng Đài Loan, càng khiến Mao Trạch đông tức giận”.
Ông Wang năm nay 88 tuổi.
Công chúng Trung Quốc khi đó bày tỏ sự tức giận với Mỹ và ngày càng nhiều thanh niên tình nguyện gia nhập Chí Nguyện quân (PVA) trong cuộc “kháng chiến chống Mỹ và hỗ trợ Triều Tiên”.
Một trong số đó là Huang Zhao, khi đó mới 15 tuổi. Ông gia nhập không quân PVA vào năm 1951. “Tôi nhập ngũ vì rất tức giận khi Mỹ can thiệp vào eo biển Đài Loan”, ông Huang, năm nay 85 tuổi, nói.
Một người khác là sinh viên Zhang Zeshi, khi đó 21 tuổi, theo học vật lý tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Zhang nằm trong nhóm các sinh viên tình nguyện sang chiến đấu ở Triều Tiên và trở thành tù binh. Ông quay về Bắc Kinh vào năm 1954, một năm sau khi chiến tranh tạm thời chấm dứt.
Trả lời trên SCMP, ông Zhang nói Chiến tranh Triều Tiên là sự kiện ngăn Trung Quốc thống nhất Đài Loan. Những cựu chiến binh như Wang, Huang và Zhang cho rằng, chiến tranh với Đài Loan là “khó tránh khỏi” vì quân đội Trung Quốc giờ đây đã có đủ sức mạnh đối phó Mỹ.
“Ngay khi cấp lãnh đạo có lệnh, mọi cựu binh và binh sĩ quân đội sẽ đồng lòng hướng về chiến dịch thu hồi Đài Loan”, Huang nói.
Nhưng chuyên gia quân sự ở Macau, Antony Wong Tong cho rằng, Trung Quốc đại lục có thể quá tự tin vào sức mạnh chiến đấu của quân đội và đánh giá thấp năng lực của Đài Loan.
“Trong môi trường chiến tranh hiện đại, Mỹ không cần trực tiếp can thiệp nhưng vẫn có thể hỗ trợ Đài Loan, ví dụ như cung cấp thông tin tình báo, chia sẻ công nghệ nghe lén”, Wong nói, nhấn mạnh rằng chưa chắc Trung Quốc đại lục có thể giành được chiến thắng chớp nhoáng.