Dân Việt

Ông Biden sử dụng "vũ khí" trừng phạt của Mỹ còn tốt hơn ông Trump?

Vương Nam – Reuters 17/12/2020 03:55 GMT+7
Ông Biden không hề né tránh việc sử dụng các lệnh trừng phạt mang sức mạnh Mỹ, nhưng cũng không trừng phạt một cách tràn lan như Tổng thống Trump, theo Reuters.

img

Ông Trump là một trong những Tổng thống ra lệnh trừng phạt nhiều nhất lịch sử Mỹ (ảnh: Reuters)

Nguồn tin thân cận của ông Biden nói với Reuters rằng, sau khi nhậm chức vào ngày 20.1, một trong những việc đầu tiên mà chính quyền mới cần làm là quyết định nên chấm dứt, tiếp tục hay mở rộng các lệnh trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt với một số đối thủ như Iran, Trung Quốc, Triều Tiên.

“Thách thức của ông Biden không hề nhỏ. Suốt 4 năm qua, chính quyền ông Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt với tần suất kỷ lục. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt dày đặc của ông Trump không hề khiến đối thủ làm theo khuôn khổ mà Mỹ đặt ra. Ông Biden phải làm tốt hơn ông Trump”, một cố vấn giấu tên của ông Biden nói.

Theo cố vấn này, dưới thời ông Biden, Mỹ sẽ giảm tối đa các lệnh trừng phạt đơn phương, thay vào đó là kêu gọi đồng minh cùng tham gia trừng phạt đối thủ.

“Ông Biden hiểu rõ rằng, các lệnh trừng phạt vẫn là công cụ chủ yếu nhằm duy trì quyền lực của toàn cầu của Mỹ. Ông Biden không ngại đưa ra lệnh trừng phạt, không thoái lui, nhưng sẽ có sự điều chỉnh sao cho hợp lý hơn”, cố vấn này nói thêm.

Chính quyền ông Trump đã ban hành khoảng 3.800 lệnh trừng phạt suốt 4 năm đầu nhiệm kỳ. Để so sánh, trong nhiệm kỳ cuối, cựu Tổng thống Obama chỉ đưa ra 2.350 lệnh trừng phạt.

Chính quyền ông Trump cũng đi tiên phong trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt bằng thị thực Mỹ. Hơn 200 quan chức nước ngoài đã bị cấm nhập cảnh vào Mỹ do lệnh trừng phạt của ông Trump.

img

Ông Biden tuyên bố mình sẽ cứng rắn với Trung Quốc hơn ông Trump (ảnh: Asia Times)

Tổng thống Trump cũng đưa ra một khái niệm mới, gọi là “trừng phạt thứ cấp”. Các quốc gia, tổ chức, cá nhân liên quan đến đối thủ mà Mỹ trừng phạt cũng bị trừng phạt theo.

“Lệnh trừng phạt không phải viên đạn bạc. Nó không giải quyết được tận gốc vấn đề. Trừng phạt chỉ nên được triển khai như một phần của một chiến lược đối ngoại rộng lớn. Đây là điều mà chính quyền ông Trump chưa làm tốt”, Hagar Hajjar Chemali – quan chức giám sát các lệnh cấm vận dưới thời ông Obama – nhận xét.

Theo các chuyên gia, dù bị trừng phạt nhiều, nhưng các nước như Iran, Trung Quốc, Triều Tiên không có dấu hiệu nhượng bộ Mỹ dưới thời ông Trump.

Về vấn đề kiềm chế Trung Quốc, việc ông Biden kêu gọi các nước đồng minh cùng tham gia trừng phạt Bắc Kinh được cho là có hiệu quả và ít rủi ro hơn so với trừng phạt đơn phương bằng sức mạnh Mỹ.

Tổng thống đắc cử Biden đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, với Trung Quốc, ông sẽ có quan điểm cứng rắn hơn ông Trump, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền ở Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng.