Thung lũng Galwan – nơi căng thẳng Trung Quốc và Ấn Độ nóng nhất (ảnh: AP)
Hãng tin NDTV dẫn tuyên bố của quân Ấn Độ cho biết, Trung - Ấn đều rút hết lực lượng khỏi thung lũng Galwan (khu vực xảy ra đụng độ đêm 15.6).
17 binh sĩ Ấn Độ bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ đã không thể chịu nổi cái rét vùng cao và qua đời, đưa tổng số người thiệt mạng lên 20, quân đội Ấn Độ thông báo.
“Quân đội Ấn Độ thề sẽ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, quân đội Ấn Độ tuyên bố.
Hãng thông tấn ANI đưa tin phía Trung Quốc có 43 người thương vong song Bắc Kinh chưa có bình luận nào về vấn đề này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc binh sĩ Ấn Độ đã “tấn công và khiêu khích trước”. Trung Quốc cho biết đã gửi công hàm phản đối cho Ấn Độ sau vụ việc.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Ấn cáo buộc vụ đụng độ là “âm mưu đơn phương thay đổi thỏa thuận đã đạt được về việc tuân thủ Đường kiểm soát thực tế ở thung lũng Galwan”.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin, sau vụ đụng độ hồi đầu tháng 5, quân đội Trung Quốc đã tăng cường lực lượng và dựng nhiều lán trại ở khu vực cửa sông Galwan, khiến tình hình trở nên căng thẳng.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng, sự thay đổi trong hành động của Ấn Độ dẫn tới vụ đụng độ đêm ngày 15.6 là do Mỹ – đối thủ chiến lược với Trung Quốc – tác động.
“Tôi muốn gửi lời tới Ấn Độ, đừng quá kiêu ngạo và cho rằng sự kiềm chế của Trung Quốc là yếu đuối. Trung Quốc không muốn đụng độ với Ấn Độ chứ không phải chúng tôi sợ”, Hồ Tích Tiến – tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu – đăng trên mạng xã hội.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều sở hữu vũ khí hạt nhân (ảnh: SCMP)
Trung Quốc tuyên bố yêu sách chủ quyền khoảng 90.000 km vuông khu vực biên giới với Ấn Độ.
Liên Hợp Quốc đã lên tiếng và kêu gọi Trung Quốc, Ấn Độ kiềm chế tối đa.
“Chúng tôi bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực và những binh sĩ thiệt mạng ở Đường kiểm soát thực tế giữa Ấn Độ - Trung Quốc. Thông tin tích cực là hai nước đã tham gia đối thoại, làm giảm căng thẳng”, Eri Kaneko – phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc – phát biểu.
Cả ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi đều được đánh giá là các nhà lãnh đạo có lập trường cứng rắn về vấn đề biên giới.
“Mặc dù Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập không muốn có chiến tranh, ít nhất là trong thời điểm này, nhưng họ vẫn không thể từ bỏ yêu sách lãnh thổ”, Ashley J. Tellis – chuyên gia cao cấp tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế ở Washington – nhận định.
“Trong nhiều thập kỷ qua, đã không ít lần Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra đụng độ nhưng tiếng súng chưa vang lên và không có ai thiệt mạng. Tình hình hiện nay là căng thẳng hơn rất nhiều, không bên nào sẵn sàng chịu nhượng bộ. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột mặc dù không bên nào thực sự muốn”, Long Xingchun – chuyên gia nghiên cứu về quan hệ với Ấn Độ – nhận xét.