Ô nhiễm không khí mới được xem là "mối nguy lớn nhất đối với nhân loại" (Ảnh: Narinder Nanu)
Theo dữ liệu từ Chỉ số chất lượng không khí (AQLI), khi thế giới vẫn đang chạy đua điều chế vaccine phòng dịch Covid-19, ô nhiễm không khí sẽ tiếp tục làm suy giảm tuổi thọ của hàng tỷ người và gây nhiều chứng bệnh nặng hơn trên toàn cầu.
Bằng việc ước lượng mức độ của các hạt không khí ô nhiễm - chủ yếu từ các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch – để suy ra tác động của chúng đối với sức khỏe con người, chỉ số này phát hiện ra rằng dù lượng hạt ô nhiễm đang giảm đáng kể ở Trung Quốc, từng là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới, mức độ ô nhiễm không khí nói chung vẫn không thay đổi trong 2 thập kỷ qua.
Ở các quốc gia như Ấn Độ và Bangladesh, ô nhiễm không khí nghiêm trọng đến mức hiện nay đã làm giảm tuổi thọ trung bình ở một số khu vực gần xuống một thập kỷ.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết chất lượng không khí mà nhiều người hít phải có nguy cơ gây hại cho sức khỏe cao hơn nhiều so với dịch Covid-19.
Giáo sư Michael Greenstone, người tạo ra chỉ số AQLI, cho biết: "Mặc dù mối đe dọa của virus SARS-CoV-2 là rất nghiêm trọng và xứng đáng với mọi sự chú ý mà nó đang nhận được, một cách nhìn nhận đúng đắn và sự quan tâm tương xứng đối với mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí sẽ góp phần giúp hàng tỷ người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn".
Gần 1/4 dân số toàn cầu đang sống ở 4 quốc gia Nam Á nằm trong số những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới, là Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan.
AQLI phát hiện rằng tuổi thọ trung bình của dân số các nước này sẽ giảm tới 5 năm, do phải tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao hơn 44% so với cách đây 20 năm.
Chỉ số này cũng cho biết ô nhiễm không khí cũng là một "mối quan ngại đáng kể" tại khu vực Đông Nam Á, nơi các vụ cháy rừng và cây trồng, kết hợp với khói bụi từ các phương tiện giao thông và các nhà máy điện sẽ tạo ra các luồng không khí độc hại.
Khoảng 89% trong số 650 triệu dân ở Đông Nam Á đang phải sống trong các khu vực nơi ô nhiễm không khí đang vượt quá các mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Dù những khu vực như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đang đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện chất lượng không khí, ô nhiễm vẫn sẽ khiến tuổi thọ trung bình của dân số thế giới giảm mất 2 năm, AQLI cho biết.
Bangladesh được phát hiện có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới, và khoảng 250 triệu cư dân của các quốc gia Nam Á sẽ mất trung bình 8 năm cuộc đời, trừ khi vấn đề ô nhiễm tại đây được kiểm soát.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy tiếp xúc với không khí ô nhiễm cũng gây nguy cơ nhiễm Covid-19, và giáo sư Michael Greenstone đang kêu gọi chính các nước cần phủ ưu tiên việc cải thiện chất lượng không khí sau dịch Covid-19.
"Một sự kích thích đáng khích lệ sẽ làm giảm ô nhiễm không khí", ông Greenstone cho biết, "Giải pháp lúc này nằm ở chính sách công mạnh mẽ."