Quân đội Trung - Ấn khai chiến ngày 20.10.1962 khi mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm ở biên giới (ảnh: India Today)
Ông Lakshman Singh sửa lại tư thế ngồi cho ngay ngắn, rưng rưng nước mắt kể về ngày 20.10.1962 – ngày chiến tranh biên giới Trung – Ấn bắt đầu.
Lúc đó là khoảng 5 giờ sáng, ông Singh đang ngủ sau khi hoàn thành ca trực thì bất ngờ nghe thấy một loạt tiếng súng cối vang lên. Đúng như linh tính của Singh, chiến tranh Trung - Ấn chính thức nổ ra.
Những quả đạn pháo bay trên không, rít chói tai do quân đội Trung Quốc bắn ra trút xuống như mưa, đánh trúng lữ đoàn số 7 của Ấn Độ đang đóng tại Arunachal Pradesh.
Đồn chỉ huy của lữ đoàn 7 khi đó chỉ đóng cách các đơn vị của Trung Quốc khoảng 1 km, hoàn toàn trong tầm đạn.
Lakshman Singh – Đại úy quân đội Ấn Độ tham gia cuộc chiến năm 1962 (ảnh: India Today)
Lakshman Singh – Đại úy được mệnh danh là “chim sẻ” của lữ đoàn 7 – bước vào trại chỉ huy với đôi giày phủ đầy tuyết rồi lại nhanh chóng lao vút ra ngoài thông báo mệnh lệnh. Thời tiết hôm đó là cực lạnh.
Các tin báo từ những đơn vị quân đội Ấn Độ trải dài trên một mặt trận kéo dài hơn 10 km tới tấp gửi về đồn chỉ huy lữ đoàn 7: Họ đang bị lực lượng Trung Quốc áp đảo.
Một sư đoàn Trung Quốc với 12.000 quân nhanh chóng đánh lướt qua các trung đội Ấn Độ và bao vây lữ đoàn 7. Những tiền đồn của quân đội Ấn Độ nhanh chóng đổ sụp trước hỏa lực dữ đội của binh sĩ Trung Quốc.
Sau trận đánh kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ, lữ đoàn 7 của Ấn Độ bị đánh bại. Khoảng 493 binh sĩ Ấn Độ chết trong trận đánh mở màn chiến tranh biên giới năm 1962, 60 người bị bắt sống.
Trận đánh ngày 20.10.1962 ở Arunachal Pradesh được xem là thất bại nặng nề nhất của quân đội Ấn Độ trước Trung Quốc. Yếu tố bất ngờ là điều kiện tiên quyết giúp quân đội Trung Quốc chiến thắng trong trận đánh mở màn.
Quân đội Ấn Độ kéo một chiếc xe quân sự trong chiến tranh biên giới 1962 (ảnh: India Today)
Ông Singh kể lại, sắc mặt của tướng John Dalvi – người chỉ huy lữ đoàn 7 – đã tái hẳn đi và cười một cách cay đắng khi hay tin quân đội Trung Quốc chỉ còn cách đồn chỉ huy 200 mét và đánh vào gắt gao.
Tướng John Dalvi sau đó ra quyết định khó khăn nhất đời mình, yêu cầu các lực lượng còn lại rút lui. Ông John Dalvi sau đó bị quân đội Trung Quốc bắt.
Về phần mình, sau nhận lệnh rút lui, Đại úy Lakshman Singh dẫn 40 lính dưới trướng đi đường vòng, trực chỉ Bhutan nhằm tránh sự truy đuổi của quân đội Trung Quốc. 10 ngày sau, nhóm của ông Singh tới được Bhutan an toàn và cuối cùng về được Ấn Độ.