Dân Việt

Dịch COVID-19 sáng 20/5: Loại thuốc mới có thể ngăn chặn đại dịch mà không cần đến vaccine

Triệu Quang (Tổng hợp) 20/05/2020 09:55 GMT+7
Trung Quốc đang phát triển một loại thuốc được cho là có thể ngăn chặn dịch COVID-19 mà không cần sử dụng đến vaccine.

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

Các nhà khoa học tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, họ đang phát triển loại thuốc có thể ngăn chặn dịch COVID-19 mà không cần sử dụng đến vaccine. Loại thuốc mới đang được phát triển không chỉ có thể rút ngắn thời gian điều trị cho người nhiễm COVID-19 mà còn có thể cung cấp khả năng miễn dịch cho người sử dụng trong một thời gian ngắn.

Sunney Xie – Giám đốc phòng nghiên cứu Đại học Bắc Kinh cho biết, thuốc được phát triển dựa trên kháng thể lấy từ huyết tương của khoảng 60 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và đã được thử nghiệm thành công trên động vật.

Ông Xie cho rằng, loại thuốc mới này có thể sẵn sàng để sử dụng vào cuối năm nay và sẽ phát huy vai trò nếu dịch bệnh quay trở lại vào mùa đông.

Hơn 100 loại vaccine ngừa COVID-19 đang được phát triển trên toàn cầu, tuy nhiên, do quá trình điều chế vaccine rất khắt khe và tương đối mất thời gian, ông Xie hy vọng loại thuốc mới của Đại học Bắc Kinh sẽ trở thành giải pháp nhanh chóng, hiệu quả hơn để ngăn chặn đại dịch.

Tính đến 10h sáng 20/4, Việt Nam ghi nhận 324 ca nhiễm COVID-19, tức không tăng ca nào so với 24h trước. Như vậy, đã trải qua 34 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có 264 ca đã được công bố khỏi bệnh. Trong số 60 ca đang điều trị, 3 ca đã âm tính lần 1, 4 ca âm tính lần 2 trở lên, 53 ca dương tính.

Trong các ngày 19 và 20/5, các cơ quan chức năng của Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phối hợp với các cơ quan chức năng Ấn Độ đưa về nước an toàn gần 340 công dân Việt Nam.

Tất cả hành khách đã được cách ly và kiểm tra y tế theo quy định khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cần Thơ.

Chiều 19/5, đại diện Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân 91 là phi công người Anh hiện không sốt, đã sử dụng ECMO ngày 43. Tình hình nhiễm trùng của bệnh nhân tương đối khống chế được tạm ổn bằng kháng sinh. Hiện tại, phổi của bệnh nhân tương đối cải thiện, giảm đông đặc, tỷ lệ còn gần 80% so với trước đó là 90%.

Bệnh nhân 91 đã có 5 lần liên tiếp kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (11 ngày liên tục âm tính) và đã ngừng dẫn lưu màng phổi. Tuy nhiên, kết quả nuôi cấy virus bất hoạt của bệnh nhân vẫn đang đợi.

Cuộc họp 194 nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tổ chức hôm 18/5 với mục tiêu vạch ra một phản ứng chung cho thế giới nhằm đối phó đại dịch COVID-19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết chi 2 tỷ USD, triển khai trong vòng 2 năm nhằm hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, Tổng thống Trump đã từ chối tham gia cuộc họp do WHO tổ chức. Ông đã gửi một lá thư cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thể hiện thái độ gay gắt và dọa sẽ cắt vĩnh viễn tài trợ của Mỹ nếu không có những cải thiện đáng kể về hoạt động trong 30 ngày nữa.

John Ullyot – phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu: “Cam kết hỗ trợ 2 tỷ USD như một biện pháp để đánh lạc hướng dư luận trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên WHO lên tiếng kêu gọi cuộc điều tra độc lập về COVID-19. Ngày càng có nhiều nước đòi hỏi trách nhiệm từ phía Trung Quốc liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin và cảnh báo cho thế giới về những gì dịch bệnh có thể gây ra”.

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng, ông đang sử dụng Hydroxychloroquine – một loại thuốc trị sốt rét, để phòng ngừa Covid-19 đã khiến giới khoa học “tá hỏa” và khuyến cáo người dân không nên làm theo vì đây là phương thức chưa được kiểm chứng.

Tuy nhiên, phát biểu nói trên của ông Trump lại rất được hoan nghênh tại Ấn Độ. Quốc gia Nam Á đã cho các nhân viên y tế, bác sĩ tại tuyến đầu chống dịch sử dụng thuốc Hydroxychloroquine để phòng ngừa lây nhiễm và điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Thuốc chống sốt rét còn được Ấn Độ sử dụng như một công cụ ngoại giao khi đem ra viện trợ cho một số nước khác, bất chấp việc loại thuốc này chưa được chứng minh về hiệu quả trong điều trị COVID-19.

Suhhil Gupta – một dược sĩ tại New Delhi cho rằng, không nên sử dụng Hydroxychloroquine một cách bừa bãi và khuyến cáo: “Ông Trump không phải là bác sĩ. Phát biểu của ông ấy không liên quan đến y tế”.