Tượng Yêm Đáp Hãn (Altan Khan) ở thủ phủ Hồi Hột của khu tự trị Nội Mông.
Yêm Đáp Hãn (1507–1582), là thủ lĩnh các bộ lạc Tây Mông Cổ, cháu nội của Đạt Diên Hãn, người có công thống nhất Tây và Đông Mông Cổ, khôi phục nhà Bắc Nguyên.
Yêm Đáp Hãn kiểm soát một khu vực rộng lớn của nhà Bắc Nguyên, từ Tuyên Hóa (nay thuộc Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc) đến phía bắc Đại Đồng (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc), từ Hetao ở Nội Mông đến sa mạc Gobi và biên giới phía nam chạm đến Vạn lý Trường Thành. Ông mở rộng địa bàn của người Mông Cổ đến Thanh Hải, thậm chí còn từng đưa quân vào Tây Tạng.
Yêm Đáp Hãn chủ trương kế thừa di sản của ông nội Đạt Diên Hãn, yêu cầu nhà Minh dưới thời Minh Thế Tông mở cửa để tự do khai giao thương, theo cuốn sách “Vùng biên cương hiểm nguy: Đế chế du mục và Trung Hoa” của tác giả Thomas Barfield.
Hàng năm, Yêm Đáp Hãn đưa kỵ binh quấy phá các vùng biên cương nhà Minh, trọng thưởng cho những tướng lĩnh dưới quyền và thu về nhiều của cải giá trị. Năm 1542, khi bị nhà Minh cự tuyệt giao thương, Yêm Đáp Hãn đem quân tàn phá nặng nề tỉnh Thiểm Tây.
Sự biến năm Canh Tuất
Dưới thời hoàng đế Minh Thế Tông, triều đình nhà Minh liên tục xảy ra bất ổn. Minh Thế Tông kế vị ngai vàng từ người anh họ không may chết trẻ.
Năm 1521, Minh Thế Tông công khai ý định truy phong cho cha mình là hoàng đế, để đưa vào thái miếu cúng tế, dù người cha khi còn sống chỉ được phong vương. Vấn đề này tạo nên bất đồng nghiêm trọng giữa hoàng đế và các đại thần.
Cuộc tranh chấp này kéo dài gần 20 năm trời, trước sau có mấy trăm quan chức lớn nhỏ bị cắt lương, cách chức hoặc đày ra biên cương. Minh Vũ Tông lại là người sùng đạo, quay sang trọng dụng đạo sĩ Nghiêm Tung, phong đạo sĩ làm thừa tướng. Nghiêm Tung nhờ tài nịnh hót, lũng đoạn triều đình nhà Minh.
Nhận thấy tình hình chính trị mục nát và biên cương nhà Minh suy yếu, tháng 8.1550, tức năm Canh Tuất, Yêm Đáp Hãn thống lĩnh đại quân khoảng 10 vạn tinh binh, tiến vào lãnh thổ Trung Hoa.
Trung Hoa dưới thời Minh Thế Tông không phải là đối thủ xứng tầm của người Mông Cổ.
Theo Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI), Tổng binh phòng vệ Đại Đồng là một công tử bột, cơ bản không hiểu biết gì về quân sự, đã đem vàng bạc đút lót Yêm Đáp Hãn, đề nghị ông dẫn quân sang đánh nơi khác.
Yêm Đáp Hãn nhận được vàng bạc liền điều quân vượt Vạn Lý Trường Thành đánh sang phía đông, nhanh chóng chiếm được Thông Châu ở ngoại ô Bắc Kinh, thừa thắng tiến thẳng đến kinh đô Bắc Kinh.
Hoàng đế Minh Thế Tông nghe vậy hết sức sợ hãi, hạ chiếu cho các đạo binh mã đến phò vua. Các đạo binh mã tập trung ở kinh thành lên tới 10 vạn người. Khi được các đại thần hỏi rằng đã đến lúc kéo quân ra nghênh chiến người Mông Cổ hay chưa, thừa tướng Nghiêm Trung đáp: “Bắc Kinh khác với biên cương, ở ngoài biên cương dù bị thua trận vẫn có thể báo công, còn ở đây mà bị thua thì hoàng đế sẽ biết ngay, muốn che giấu cũng chẳng được, chi bằng cứ để cho quân địch mặc sức cướp phá, cướp đủ rồi thì chúng tất phải rút về, chẳng cần đánh làm gì”.
Kết quả là Yêm Đáp Hãn thoải mái cướp bóc ở vùng ngoại ô, vây hãm thành Bắc Kinh suốt 8 ngày mới chịu rút quân. Sự kiện này được coi là một vết nhơ khó gột rửa trong lịch sử nhà Minh.
Buộc nhà Minh phải đàm phán sòng phẳng
Một năm sau thất bại nặng nề, hoàng đế Minh Thế Tông buộc phải mở cửa vùng biên cương để các thương nhân Mông Cổ tự do giao thương. Dê và ngựa Mông Cổ là những món hàng đặc biệt được người Trung Hoa thường xuyên tìm mua.
Theo Toutiao, mở cửa giao thương với người Mông Cổ là điều “cực chẳng đã” vì nhà Minh ở thời điểm đó không hề nhận thấy lợi ích, trong khi vàng bạc từ trong nước liên tục chảy vào túi các thương nhân Mông Cổ.
Nhà Minh tiếp tục cho xây Vạn Lý Trường Thành trong khi đại quân của Yêm Đáp Hãn rút đi.
Vải vóc, món hàng rất được ưa chuộng ở thời nhà Minh chủ yếu được sản xuất ở Giang Nam. Việc đưa hàng hóa trải qua chặng đường dài đến vùng biên cương giao thương với người Mông Cổ là một bất lợi lớn.
Ngược lại, các thương nhân Mông cổ không gặp mấy khó khăn để đưa ngựa, dê và gia súc vào Trung Nguyên. Cục diện thời bấy giờ được đánh giá giống như một cuộc chiến tranh thương mại, nhà Minh chỉ có chủ trương đóng cửa biên giới mới có thể ngăn người Mông Cổ không ngừng làm giàu nhờ Trung Nguyên, theo Toutiao.
Tuy vậy, cứ mỗi lần nhà Minh đóng cửa không buôn bán ngựa với người Mông Cổ là Yêm Đáp Hãn lại đem kỵ binh đến cướp bóc.
Năm 1571, hai bên đạt thỏa thuận hòa bình lâu dài, trong đó nhà Minh phong tước vị cho Yêm Đáp Hãn, mở cửa giao thương trên phạm vi toàn bộ biên giới Trung Hoa-Mông Cổ.
Ổn định tình hình biên giới, Yêm Đáp Hãn quay sang liên minh với người Tây Tạng, tiếp nhận Phật giáo Tây Tạng vào Tây Mông Cổ.
Yêm Đáp Hãn được biết đến là người lập nên thành phố Hohhot (Hồi Hột), thủ phủ khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc ngày nay. Bức tượng lớn được đặt ở quảng trường trung tâm của thành phố chính là tượng Yêm Đáp Hãn.
Yêm Đáp Hãn là một trong những Khả Hãn cuối cùng của gia tộc Bột Nhi Chỉ Cân, hậu duệ Thành Cát Tư Hãn. Gia tộc này đã đánh mất hoàn toàn tầm ảnh hưởng ở Mông Cổ kể từ khi bị người Mãn xâm chiếm vào thế kỷ 17.