Tàu vũ trụ NASA đã chạm xuống bề mặt tiểu hành tinh thành công.
Theo Sputnik, tàu OSIRIS-Rex đang thực hiện sứ mệnh lịch sử khi lần đầu tiên chạm xuống bề mặt của một tiểu hành tinh, đem mẫu vật nặng 60g về Trái đất. Đây là mẫu vật có trọng lượng lớn nhất mang từ không gian vũ trụ về Trái Đất kể từ chương trình Apollo.
NASA sẽ tổ chức họp báo trong ngày 21.10 để chia sẻ hình ảnh mới nhất và xác minh xem liệu tàu vũ trụ có lấy mẫu vật thành công hay không. Các chuyên gia của NASA chỉ biết tàu có lấy được mẫu vật hay không bằng cách so sánh trọng lượng của tàu trước và sau khi chạm xuống bề mặt tiểu hành tinh. Kết quả phân tích này dự kiến có sau 10 ngày tới, theo Space.com.
Tàu OSIRIS-Rex có kích thước lớn tương đương một chiếc xe van, được ấn định lấy mẫu vật ở giữa một miệng hố tương đối bằng phẳng, rộng ngang sân tennis trên Trái đất.
Các nhà khoa học NASA đã chọn địa điểm này vào tháng 12.2019, 3 năm sau khi con tàu được phóng lên vũ trụ. Tàu đã bay quanh tiểu hành tinh Bennu từ tháng 12.2018.
Sau khi rời khỏi quỹ đạo cao 750m, tàu mất 4 giờ để bay thấp dần và lơ lửng phía trên bề mặt tiểu hành tinh. Cánh tay robot dài 3,4 m của tàu sẽ vươn ra và chạm vào Bennu.
Quá trình tiếp xúc kéo dài 5 - 10 giây, đủ lâu để tàu phun khí nitơ nén, sau đó hút bụi và sỏi đất cuộn lên. Toàn bộ quá trình này vận hành tự động vì liên lạc qua sóng vô tuyến về Trái đất có độ trễ 18 phút so với thời gian thực.
“Tiểu hành tinh giống như chiếc hộp thời gian trôi nổi trong vũ trụ, lưu giữ bằng chứng về sự hình thành Hệ Mặt trời”, Lori Glaze, giám đốc bộ phận khoa học hành tinh của NASA, cho biết.
NASA kì vọng dự án sẽ giúp hiểu rõ hơn về cách Hệ Mặt trời hình thành trong vũ trụ cách đây 4,5 năm tỉ năm và giúp lý giải sự sống hình thành như thế nào trên Trái đất.