Việt Nam hiện chưa ghi nhận bất cứ ca tử vong nào vì Covid-19. Ảnh: FT.
Theo Forbes, đại dịch Covid-19 được coi là một cú hích lớn đối với các phương tiện truyền thong trên toàn cầu.
Nhưng đây là cũng là thách thức đối với các nhà báo vì tầm quan trọng của việc cung cấp cho độc giả những tin tức về dịch Covid-19 chất lượng, trong bối cảnh có nhiều tin giả (fake news) được tung ra nhằm câu view.
Một cuộc khảo sát gần đây của YouGov đề cập đến việc quốc gia nào có tỉ lệ người dân tin cậy vào những gì truyền thông đăng tải về dịch Covid-19 nhất.
Đứng thứ nhất trong khảo sát của YouGov là Việt Nam. Mặc dù là quốc gia có biên giới giáp Trung Quốc, Việt Nam đã kiểm soát dịch Covid-19 từ sớm nhờ vào sự quyết liệt trong việc truy tìm nguồn gốc lây nhiễm, theo Forbes.
Kết quả là đến ngày 20.5, Việt Nam chỉ ghi nhận 320 ca nhiễm Covid-19 và không có ca tử vong nào. Cuộc khảo sát của YouGov chỉ ra gần 90% người Việt Nam được hỏi, trả lời rằng họ tin vào những thông tin về Covid-19 mà truyền thông nước nhà đăng tải.
Việt nam xếp hàng đầu trong khảo sát của YouGov.
Có 62% người Trung Quốc được hỏi tin rằng những gì mà truyền thông đăng tải về Covid-19 là thật. Nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ về việc chính phủ che đậy số ca nhiễm thực sự ở vùng tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Tỉ lệ này ở các nước phương Tây không cao, như Đức chỉ đạt 54%, Tây Ban Nha là 50% và Italia là 38%.
Anh và Pháp là hai quốc gia có tỉ lệ người dân không tin vào những gì truyền thông nước nhà đăng tải nhất, lần lượt ở mức 31% và 26%.
Cuộc khảo sát cho thấy sự phân chia rõ ràng ở Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump liên tục công kích một số kênh truyền thông như Washington Post hay CNN “đưa tin giả”, phủ nhận những thành quả chống dịch mà Nhà Trắng đạt được.
Nhưng tỉ lệ người Mỹ tin vào những gì giới truyền thông đăng tải về dịch Covid-19 cao hơn ở Anh hay Pháp, đạt mức 42%.