Dân Việt

Chiêu giúp Úc "phản đòn" Trung Quốc

Nguyễn Thái - SCMP 21/05/2020 05:55 GMT+7
Theo SCMP, Úc có thể "đáp trả" Trung Quốc bằng động thái cho phép một số quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương tham gia vào "bong bóng xuyên biển Tasman" được thiết lập giữa Úc và New Zealand.

img

Căng thẳng Trung Quốc và Úc gần đây gia tăng sau khi Úc nhiều lần kêu gọi một cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19. Ảnh: Getty

Nhiều lời kêu gọi được đưa ra với Úc và New Zealand để cho phép các quốc gia láng giềng Thái Bình Dương của họ được tham gia "bong bóng xuyên biển Tasman" - được Úc và New Zealand thiết lập để kích hoạt hoạt động kinh tế sau khi cả 2 nước đã kiểm soát được dịch Covid-19.

"Bong bóng xuyên biển Tasman" sẽ cho phép người dân 2 nước tự do đi lại và vận chuyển hàng hóa cũng được trao đổi thoải mái hơn.

Dave Sharma, nghị sĩ Úc và là đồng minh thân cận với Thủ tướng Úc Scott Morrison, tuần trước cho rằng: "Bong bóng xuyên biển Tasman không thể đi được đủ xa. Chúng tôi trông cậy lẫn nhau vào những thời điểm khó khăn. Một bong bóng xuyên Thái Bình Dương sẽ giúp chúng ta đi xa hơn".

Ông Sharma cũng cho biết Úc nên "giang tay" thêm một lần nữa với khu vực Thái Bình Dương như một biện pháp để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực này.

"Cuộc cạnh tranh chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương vẫn tồn tại khi Trung Quốc và các nước khác đang tìm cách gây ảnh hưởng lớn hơn. Vì vậy, việc chúng ta tạo ảnh hưởng với chính các nước Thái Bình Dương lân cận là vô cùng quan trọng", nghị sĩ Sharma nhấn mạnh.

Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng của cả Úc và Trung Quốc, nhất là khi căng thẳng giữa 2 nước ngày càng gia tăng, bắt nguồn từ việc Canberra liên tục kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc. 

Alexandre Dayant, một nhà nghiên cứu tại Viện Lowy (Úc), là người theo dõi sát sao việc viện trợ cho các nước Thái Bình Dương của cả Trung Quốc và Úc. Theo Dayant, cả 2 nước vẫn chưa thực sự "bạo chi".

"Trung Quốc làm rất tốt trong việc cung cấp đồ bảo hộ y tế nhưng ngoài việc này ra, Bắc Kinh vẫn chưa có thêm điểm nhấn đáng kể nào. Úc cũng tương tự. Chúng tôi vẫn kỳ vọng Úc sẽ nhanh tay hơn "giúp đỡ" về tiền mặt hoặc các khoản vay nhưng điều đó đến giờ vẫn chưa xảy ra", Dayant cho biết.

Theo nghiên cứu của Dayant về các đợt viện trợ vừa tới với khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc đã chi khoảng 1,2 triệu USD cùng với nhiều đồ bảo hộ y tế và máy thở.

"Tôi tin đây là cách mà Bắc Kinh đang cố để thay đổi tình thế. Ban đầu, Trung Quốc được coi là nguồn gốc của đại dịch Covid-19 nhưng giờ đây quốc gia này lại như thể đang làm việc chăm chỉ để trở thành nguồn giúp đỡ và giải quyết vấn đề", Dayant chia sẻ.

Nhà nghiên cứu tại Viện Lowy nói thêm rằng tình hình ở Thái Bình Dương hiện tại có thể là "thời cơ tốt nhất để giành được sự ủng hộ hoàn toàn".

"Các quốc gia Thái Bình Dương hiểu rất rõ vị trí của họ. Họ sẽ chấp nhận viện trợ của Trung Quốc, Úc, New Zealand hay bất cứ đối tác truyền thống nào khác", Dayant cho hay.

Bất chấp những lo ngại về chính sách đối ngoại, Úc và New Zealand cho đến nay đều tuyên bố rõ "bong bóng xuyên Thái Bình Dương" sẽ chỉ được cân nhắc cho tới khi "bong bóng xuyên biển Tasman" cho thấy hiệu quả và an toàn.

Michael Rose, một nhà nghiên cứu tại Trường chính sách công Crawford, thuộc Đại học quốc gia Úc, hoài nghi về khả năng Trung Quốc và Úc bị cuốn vào một cuộc đấu giằng co ảnh hưởng tại Thái Bình Dương.

"Chúng ta không nên quên rằng bong bóng Thái Bình Dương nếu được thiết lập cũng chỉ là tạm thời khi dịch Covid-19 còn diễn biến bất thường. Dù Trung Quốc không là quốc gia trong bong bóng xuyên Thái Bình Dương, hợp tác với Bắc Kinh sẽ phù hợp hơn là đối đầu", Rose nhận định.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Úc gần đây rơi vào trạng thái căng thẳng khi Canberra nhiều lần kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19.

Dù Úc khẳng định việc điều tra về Covid-19 chỉ nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phục vụ khoa học nhưng Trung Quốc lại cho hành động của Úc là “chiêu trò chính trị” và “mánh khóe nhỏ mọn”.

Sau khi cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà cung cấp lớn của Úc, Trung Quốc hôm 18/5 tiếp tục "chơi lớn" khi áp mức thuế hơn 80% với lúa mạch nhập khẩu từ Úc, kéo dài trong 5 năm. Nhiều người cho rằng đây rất có thể là khởi đầu của một cuộc trả đũa kinh tế 135 tỷ USD.