Nga tiêm vaccine cho nhân viên y tế đồng thời với thử nghiệm giai đoạn ba.
Theo hãng thông tấn Nga TASS, nhóm dễ bị lây nhiễm Covid-19, bao gồm các nhân viên y tế, sẽ được tiêm vaccine đồng thời với thử nghiệm giai đoạn ba.
Những người tiêm vaccine sẽ được theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng để đảm bảo rằng không có điều gì bất thường xảy ra, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, Kirill Dmitriev nói.
Ông Dmitriev nói việc tiêm vaccine cho nhóm dễ bị lây nhiễm Covid-19 sẽ diễn ra một cách tự nguyện, không bắt buộc. Các nhân viên y tế sẽ được tiêm vaccine ngay trong tuần sau, ông Dmitriev nói thêm.
Sau khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn ba, vaccine sẽ được tiêm chủng đại trà cho người dân, ông Dmitriev cho biết.
Vaccine Covid-19 có tên là Sputnik V do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya phát triển. Vaccine được Bộ Y tế Nga cấp phép vào ngày 11.8. Các nhà nghiên cứu Nga khẳng định vaccine an toàn và tạo ra kháng thể ngăn ngừa Covid-19 trong hai năm.
Phó Giám đốc Viện Gamaleya, Denis Logunov khẳng định các tình nguyện viên tiêm vaccine Sputnik V cho đến nay chưa gặp bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Những tác dụng phụ phổ biến sau khi tiêm chủng như đau vùng tiêm, hạ thân nhiệt và đau đầu, là điều bình thường, không đáng lo ngại.
Vaccine của Nga dựa trên công nghệ vector, từng được sử dụng trong điều chế vaccine Ebola và MERS. Các nhà khoa học sử dụng đoạn mã gen chứa protein của nCoV, "gắn" vào virus vô hại và tiêm vào cơ thể người. Cơ thể sau đó nhận diện, làm quen với mầm bệnh và tạo phản ứng miễn dịch.
Một vector của vaccine chỉ tạo được phản ứng miễn dịch ngắn hạn cho cơ thể, cần tiêm mũi thứ hai sau khoảng 28 ngày để kích thích hệ miễn dịch lâu dài.