Đập Tam Hiệp đã trải qua hai trận lũ lớn trong năm nay, khiến mực nước ở thân thập dâng cao vượt mức báo động.
Trong tuần qua, đợt lũ thứ hai tràn qua đạp Tam Hiệp với lưu lượng đạt đỉnh 61.000 m3/giây. Trong lần công bố gần nhất, Tập đoàn Tam Hiệp – đơn vị vận hành đập Tam Hiệp thông báo lưu lượng đổ về đập đã giảm còn 30.000 m3/giây vào cuối ngày 20.7.
Đập Tam Hiệp được cho là đã giữ lại lượng nước lên tới 10,7 tỉ m3, giúp các thành phố và đất nông nghiệp ở hạ lưu tránh khỏi cảnh chìm trong nước.
Nhưng một số chuyên gia tỏ ra không tin tưởng vào các số liệu này. Fan Xiao, kỹ sư trưởng của Cục Tài nguyên Địa chất và Khoáng sản tỉnh Tứ Xuyên, bình luận trên tạp chí Địa lý Quốc gia Trung Quốc, rằng theo tính toán của ông, đập Tam Hiệp chỉ giữ lại 9% lượng nước lũ trên sông Dương Tử năm nay.
“Con đập chỉ tạm thời ngăn chặn lũ lụt đổ về từ thượng nguồn, trong khi không thể giúp kiểm soát ngập lụt do mưa lớn ở vùng trung và hạ lưu”, ông Fan nói.
Ông Fan nói đập Tam Hiệp là công trình được thiết kế để “ngăn chặn lũ lụt tồi tệ nhất trong mỗi thế kỷ”, nhưng con đập đã không hoàn thành vai trò này dù đợt lũ năm nay chưa phải là tồi tệ nhất.
Hôm 21.7, sau một khoảng thời gian ngắn bình yên, mưa lớn lại khiến nước lũ đổ về từ thượng nguồn. Đập Tam Hiệp đã phải mở thêm cửa xả, nâng lưu lượng nước đổ xuống hạ lưu lên 37.000 m3/giây để ngăn không cho nước lũ đổ về vượt ngoài tầm kiểm soát.
Mực nước giới hạn ở thân đập Tam Hiệp là 185 mét.
Dĩ nhiên, chưa có bằng chứng nào chon thấy đập Tam Hiệp có nguy cơ sụp đổ. Hồ thủy điện Tam Hiệp có thể chứa tới 39,3 tỉ m3 nước.
Nhưng con đập đã bị cho là thất bại trong việc bảo vệ 10 triệu người dân thành phố Vũ Hán, cách đập Tam Hiệp khoảng 250km về hướng đông.
Cứ mỗi lần lũ đổ về, mực nước ghi nhận ở đoạn sông Dương Tử chảy qua Vũ Hán lại đạt mức báo động mới. Vũ Hán và các khu vực lân cận sẽ là nơi hứng chịu thảm họa đầu tiên nếu như đập Tam Hiệp sụp đổ, theo Asia Times.
Chính phủ Trung Quốc được cho là đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, bao gồm “hi sinh” thành phố Nghi Xương ở ngay dưới đập Tam Hiệp để giảm bớt lưu lượng nước đổ về hạ lưu.
Chi tiết kế hoạch ứng phó thảm họa đập Tam Hiệp được coi là bí mật vì có viện dẫn các thông tin nhạy cảm liên quan đến thiết kế của đập Tam Hiệp.
Ở thời điểm đợt lũ số 2 tràn qua Vũ Hán, mực nước của sông Dương Tử đã cao hơn độ cao so với mực nước biển của thành phố.
Vũ Hán nằm ở độ cao từ 21-27 mét so với mực nước biển, trong khi mực nước lũ được một trạm thủy văn ở Vũ Hán ghi nhận là 28,8 mét vào ngày 21.7.
Nhiều địa bàn ở quận Vũ Xương và quận Hán Khẩu đã ngập trong nước. Hiện tại, Vũ Hán dựa vào hệ thống đê kè dọc sông Dương Tử để giữ cho nước lũ không nhấn chìm thành phố.
Nếu tuyến phòng thủ này bị nước lũ vượt qua, các vùng trũng ở Vũ Hán có thể bị ngập sâu tương đương tòa nhà 3-4 tầng, theo Asia Times.
Một sinh viên theo học thạc sĩ tại Đại học Vũ Hán, nói với Asia Times rằng, cư dân thành phố lo ngại về một dịch bệnh mới xuất hiện do tình trạng ngập lụt.
Trung Quốc hiện đang theo dõi sát mực nước ở đập Tam Hiệp.
“Luôn có một dạng dịch bệnh nào đó xuất hiện khi thành phố chìm trong nước. Mọi người rất lo sợ, đặc biệt là khi đập Tam Hiệp tiếp tục xả lũ với cường độ lớn hơn trước. Họ còn nói rằng các thành phố ở dưới hạ lưu nên tự tìm cách chống lũ”, sinh viên này nói.
Theo Asia Times, ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là đảm bảo an toàn cho các thành phố lớn, các huyện và làng nhỏ có thể được chọn làm nơi giải phóng nước lũ, vì có thể dễ dàng sơ tán người dân.
Một quan chức Sở Thủy lợi tỉnh An Huy nói rằng, mực nước tại các nhánh của sông Dương Tử hiện đã vượt mức báo động.
“Chúng tôi không còn khuyên người dân nên cảnh giác nữa. Chúng tôi yêu cầu người dân hãy đến nơi cao ráo hơn để trú ẩn”, quan chức giấu tên nói.
“Nói đơn giản là chúng tôi đưa ra cảnh báo khi mực nước cao đến thắt lưng. Nhưng tình hình ở An Huy giờ đây giống như mực nước đã dâng cao tới cổ”, quan chức này nói thêm.
Hôm 18.7, tại một nhánh của sông Dương Tử ở tỉnh Giang Tây, chính quyền địa phương đã cho sơ tán người dân và cho nổ một đoạn đê để giảm bớt sức ép của nước lũ.