Ảnh đập Tam Hiệp xả lũ do vệ tinh Landsat 8 của Mỹ chụp hôm 30/6. Ảnh: Earth Observatory
Theo trang Earth Observatory, mưa lũ bất thường kéo dài trong năm nay khiến mực nước sông Dương Tử dâng cao. Ít nhất 2 đợt lũ đã xuất hiện trên con sông dài nhất Trung Quốc và châu Á này. Để giảm áp lực cho đập, tập đoàn phụ trách điều hành đập Tam Hiệp phải nhiều lần mở cổng xả lũ.
Hình ảnh đập thủy điện lớn nhất hành tinh xả lũ hôm 30/6 đã được vệ tinh Landsat 8 của Mỹ chụp lại từ vũ trụ. Các bức ảnh chất lượng tốt và màu sắc tự nhiên cho thấy rõ vị trí xả nước.
Ngoài bức ảnh về đập Tam Hiệp, vệ tinh Landsat 8 của Mỹ còn chụp được hình ảnh của Cát Châu Bá, đập thủy điện nhỏ hơn cũng nằm trên sông Trường Giang, cách đập Tam Hiệp 26 km về phía đông nam. Hôm 30/6, con đập này cũng xả nước như đập Tam Hiệp.
Ảnh vệ tinh chụp đập Cát Châu Bá xả lũ hôm 30/6. Ảnh: Earth Observatory
Thời điểm các bức ảnh vệ tinh này được chụp, Trung Quốc đang phải đối phó với trận lụt lớn đầu tiên của mùa mưa trên sông Dương Tử. Đợt lụt thứ 2 trên sông Dương Tử diễn ra vào tháng 7. Giữa các đợt lụt này, tập đoàn quản lý đập Tam Hiệp liên tục có những lần phải xả lũ để giảm áp lực cho con đập.
Theo tập đoàn Tam Hiệp, mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp đã chạm mức cao kỷ lục 164,18 mét vào ngày 19/7. Mực nước cao trước đó ghi nhận trong mùa lũ năm 2012 là 163,11 mét. Hồ chứa đập Tam Hiệp được thiết kế để chịu mực nước tối đa là 175 mét.
Kể từ khi mùa mưa bắt đầu hôm 1/6, lượng mưa lớn đã khiến mực nước ở nhiều ao hồ, sông ngòi của Trung Quốc dâng cao. Lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở lưu vực sông Dương Tử đã khiến hàng chục triệu người phải sơ tán, ít nhất 142 người mất tích hoặc thiệt mạng.
Sông Dương Tử, với chiều dài 6.300 km, là sông dài nhất Trung Quốc và châu Á. Cùng với mạng lưới các nhánh sông và hồ, hệ thống sông Dương Tử đã trải qua sự phát triển đáng kể khi được tận dụng để sản xuất điện, lưu trữ nước uống và tưới tiêu, kiểm soát lũ lụt.