Dân Việt

Vụ tân binh mới nhập ngũ “khóc rưng rức”: TQ tố Đài Loan gây hiểu lầm

Đăng Nguyễn - Taiwan News 24/09/2020 13:40 GMT+7
Phản ứng với video binh sĩ quân đội Trung Quốc bật khóc gây sốt trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc tố truyền thông Đài Loan đã gây hiểu sai về nội dung video

Hôm 22.9, truyền thông Đài Loan đăng video, dẫn nguồn từ một nghệ sĩ hài kịch người Pakistan, Zaid Hamid.

Hamid mô tả “dường như các binh sĩ Trung Quốc đang được điều đến khu vực biên giới Ladakh để đối đầu với quân đội Ấn Độ”. Ông cho rằng, chính sách một con "đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần quyết tâm của những người anh em Trung Quốc”.

Đoạn video cho đến nay vẫn còn trên mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc. Trong video chia sẻ ngày 17.9, nguồn tin ở Trung Quốc cho biết, đây là 10 tân binh mới nhập ngũ, bật khóc vì phải tạm thời xa gia đình và đang được đưa đến doanh trại, không phải là tới vùng biên giới Trung-Ấn.

Tờ Guancha của truyền thông nhà nước Trung Quốc, cũng xác nhận các tân binh bật khóc vì đang hát bài “Những đóa hoa xanh của quân đội”.

“Dưới góc nhìn của truyền thông Đài Loan, hình ảnh xúc động và ấm áp này trở thành công cụ để tuyên truyền sai lệch”, Guancha bình luận.

img

Hình ảnh các tân binh Trung Quốc bật khóc khi phải xa nhà gây sốt.

Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng xác nhận các tân binh trong video đến từ quận Dĩnh Châu thuộc thành phố Phúc Dương, tỉnh An Huy.

Các tân binh này nhập ngũ vào ngày 1.8. Hoàn Cầu cho biết, có 5 tân binh ở Phúc Dương viết đơn tình nguyện xin được điều động đến Tây Tạng.

Tuy nhiên, Hoàn Cầu khẳng định 10 binh sĩ bật khóc trong video không phải là những người xin tình nguyện đến Tây Tạng.

Hoàn Cầu cáo buộc truyền thông Đài Loan thêu dệt tin đồn thất thiệt. “Các binh sĩ vừa mới tạm biệt gia đình để tới doanh trại, nhưng lại bị liên hệ đến tình hình căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn. Những lời giả dối này đã bị phơi bày”, Hoàn Cầu viết.

Hoàn Cầu nói video được kênh thông tin trên mạng xã hội WeChat của thành phố Phúc Dương đăng tải.

Trang Sohu News ở Trung Quốc cũng đưa tin, các binh sĩ đang tạm biệt cha mẹ và hát đoạn “trở về khi nhiệm vụ hoàn thành”. “Điều này hoàn toàn trái ngược với bình luận của truyền thông Đài Loan”, bài viết trên Sohu News cho biết.