Trạm vũ trụ hoạt động vô thời hạn trên quỹ đạo Trái đất của Trung Quốc có thể được khai thác từ năm 2022.
Theo SCMP, trạm vũ trụ quốc tế lần đầu tiên được đưa vào quỹ đạo thấp của Trái đất năm 1998 và trên trạm luôn có phi hành gia làm nhiệm vụ kể từ năm 2000 cho đến nay.
Nhờ thiết kế dạng module, trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ngày này được mở rộng đáng kể, là dự án hợp tác giữa Mỹ, Nga, Nhật Bản, châu Âu và Canada. ISS dự kiến sẽ hoạt động cho đến năm 2030.
“Tôi nói về điều mình rất lo ngại. Đó là một ngày trạm vũ trụ ISS hết niên hạn sử dụng”, ông Bridenstine nói. “Để duy trì sự hiện diện của Mỹ ở quỹ đạo thấp của Trái đất, chúng ta phải sẵn sàng cho các kế hoạch tiếp theo”.
NASA đề xuất khoản ngân sách 150 triệu USD trong năm tài khóa 2021 để phát triển trạm vũ trụ mới bay quanh quỹ đạo thấp.
“Chúng tôi mong muốn xây dựng quan hệ đối tác với các công ty tư nhân, đặt thỏa thuận với các nhà cung cấp trạm vũ trụ thương mại. Bằng cách này, chúng ta sẽ vẫn có thể đưa người vào quỹ đạo thấp”, ông Bridenstine nói.
Giám đốc NASA bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc đang hoàn tất những bước cuối cùng trong kế hoạch xây trạm vũ trụ riêng. Trạm vũ trụ Trung Quốc dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2022.
Ông Bridenstine coi động thái của Trung Quốc là sự thách thức với sự thống trị của Mỹ trong vũ trụ.
“Trung Quốc đang gấp rút xây dựng cái họ gọi là ‘trạm vũ trụ quốc tế Trung Quốc’ và họ đang quảng bá trạm vũ trụ này đến các đối tác quốc tế”, ông Bridenstine nói.
“Sẽ là thảm họa nếu các nước sử dụng trạm vũ trụ Trung Quốc còn chúng ta lại từ bỏ nỗ lực hiện diện ở vùng quỹ đạo thấp của Trái đất suốt hàng chục năm qua”, ông Bridenstine giải thích, cảnh báo khả năng Trung Quốc độc quyền khai thác trạm vũ trụ trong không gian.
Ông Bridenstine nói môi trường trọng lực thấp ở trạm ISS đem lại tiềm năng to lớn cho những tiến bộ khoa học, từ những đổi mới trong dược phẩm để xây dựng công nghệ in 3D nội tạng người đến việc tạo ra võng mạc nhân tạo để điều trị cho những người bị thoái hóa điểm vàng.
Ông Bridenstine cho rằng, NASA sẽ thuê công ty tư nhân phát triển, chi trả chi phí xây dựng trạm ISS mới và thu lời khi cho khách hàng quốc tế sử dụng trạm.
“Bằng cách này, chúng ta sẽ không bỏ quyền lợi ở vùng quỹ đạo thấp của Trái đất cho quốc gia khác đang có tham vọng riêng, không phục vụ lợi ích của chúng ta”, ông Bridenstine nói, ám chỉ trung Quốc.