Công an TP.Hà Nội sẽ làm thẻ căn cước công dân gắn chíp lưu động. (Ảnh minh họa)
Ai phải đổi thẻ CCCD có mã vạch sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử?
Liên quan tới việc làm thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã trả lời nhiều thắc mắc của công dân.
Trong đó, ông Hoàng Thanh Tùng (61 tuổi) đặt câu hỏi, những trường hợp nào thì phải đổi thẻ CCCD có mã vạch sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử? Những người đã được cấp thẻ CCCD có mã vạch nhưng vẫn còn hạn sử dụng thì có phải đổi sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử không? Trường hợp ngoài 60 tuổi đã làm thẻ CCCD có mã vạch có phải đổi sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử không?
Bộ Công an trả lời: Theo quy định của Luật CCCD và pháp luật hiện hành, công dân vẫn được sử dụng 03 loại thẻ là Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số và CCCD mã vạch đến khi thẻ hết giá trị sử dụng. Do vậy, đối với trường hợp của ông Hoàng Thanh Hùng thì sẽ không phải đổi thẻ CCCD.
Tuy nhiên, theo Bộ Công an, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử.
Chíp điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân (CCCD) có kiểm soát hoạt động của công dân không?
“Chíp điện tử được gắn trên thẻ CCCD liệu có thể kiểm soát các hoạt động của từng cá nhân hay không?” - Anh Võ Thái Trung đặt câu hỏi với Bộ Công an.
Về câu hỏi trên, Bộ Công an khẳng định, chíp được gắn trên thẻ CCCD là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ CCCD với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
“Chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.” – Bộ Công an khẳng định.
Bộ Công an thông tin thêm, việc sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.
Tích hợp nhiều thông tin cá nhân, CCCD gắn chíp có đảm bảo tính bảo mật khi bị mất?
Nêu vấn đề thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử có ưu điểm là tích hợp được nhiều thông tin cá nhân như nơi cư trú, bằng lái xe, giấy tờ xe, bảo hiểm, ngân hàng… Anh Nguyễn Trung Kiên thắc mắc, Bộ Công an đã có phương án như nào để bảo mật những thông tin cá nhân của công dân trên thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử trong trường hợp bị mất và giao dịch hành chính?
Về thắc mắc này, Bộ Công an cho biết, chíp sử dụng trên thẻ căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.
Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.
Khi đề xuất sử dụng căn cước công dân có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.
Công an Hà Nội làm thẻ căn cước công dân gắn chíp lưu động Công an TP.Hà Nội cho biết, từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021, Công an thành phố sẽ thành lập các tổ lưu động để triển khai cấp CCCD trên toàn thành phố tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học… và tổ chức cấp CCCD công dân tại các địa bàn dân cư. Cùng với đó, Công an thành phố sẽ duy trì và tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ (tối thiểu 10 giờ/ngày) để cấp CCCD cố định tại trụ sở Công an các quận, huyện, thị xã. Bảo đảm thực hiện việc cấp lưu động và cố định ít nhất 6 ngày trong một tuần. |