Dân Việt

Cảnh sát Canada tiết lộ lý do không dám bắt "Công chúa Huawei" trên máy bay

Nguyễn Thái - SCMP 27/10/2020 20:40 GMT+7
Sĩ quan cảnh sát Canada, người bắt giữ "Công chúa Huawei" Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) cách đây gần 2 năm, hôm 16/10 đã ra làm chứng trước tòa. Theo cảnh sát này, có những lo ngại an toàn về Mạnh Vãn Chu làm "lung lay" quyết định bắt giữ Giám đốc Tài chính của tập đoàn Huawei ngay trên máy bay. 

img

"Công chúa Huawei", Mạnh Vãn Chu, rời nhà hôm 26/10 để tới tòa án ở thành phố Vancouver, Canada. Ảnh: Reuters

Tờ SCMP hôm 27/10 đưa tin, trong cuộc lấy lời khai ban đầu do John Gibb-Carsley - người đại diện cho lợi ích của Mỹ - chủ trì, Winston Yep, sĩ quan cảnh sát hoàng gia Canada (RCMP), cho biết anh liên quan tới vụ việc "Công chúa Huawei" bắt đầu từ chiều 30/11/2018, khi nhận được tin nhắn văn bản từ một đồng nghiệp viết rằng Bộ Tư pháp Canada (DOJ) đã nhận được yêu cầu dẫn độ khẩn cấp. 

"Chúng tôi bị thiếu nhân sự và đồng nghiệp của tôi không thể tìm được ai tới văn phòng DOJ nhận nhiệm vụ", Yep nói. Thời điểm đó, Yep cùng một đồng nghiệp đang đưa một nghi phạm từ nhà tù tới văn phòng DOJ vì một vụ việc không liên quan, trong tình thế đó, Yep quyết định tiếp nhận lệnh dẫn độ mới. 

Vào khoảng 14h15, tại văn phòng DOJ, Yep được thông báo rằng "Công chúa Huawei" Mạnh Vãn Chu là đối tượng của yêu cầu dẫn độ khẩn cấp. 

"Tôi không biết Mạnh Vũ Chu là người như thế nào ở thời điểm đó", Yep nói. Sĩ quan cảnh sát này nhận định đây là một trường hợp nghiêm trọng vì bà Mạnh là Giám đốc Tài chính của Huawei - "một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới", theo kiến thức của Yep. 

Yep cho biết, Mỹ đã yêu cầu thu giữ các thiết bị điện tử của "Công chúa Huawei" và bỏ vào các túi Faraday, loại túi giúp ngăn việc truyền thông tin không dây. Khi được hỏi nghĩ gì về việc này, Yep nói điều đó không khiến anh lo lắng vào thời điểm đó. 

Yep mô tả cuộc gặp kéo dài 30 phút với các sĩ quan thuộc Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) vào sáng ngày 1/12/2018 về cách thức thực hiện vụ bắt giữ. 

Thư điện tử, từ người giám sát của sĩ quan Yep, đề xuất việc bắt giữ "Công chúa Huawei" ngay trên máy bay. Nhưng các quan chức của CBSA cho biết mọi việc xảy ra trên máy bay thuộc thẩm quyền của họ. 

"Trong mọi trường hợp, tôi không nghĩ việc bắt giữ trên máy bay là một ý kiến hay vì nó có thể ảnh hưởng tới an toàn của mọi người trên máy bay. Chúng ta không biết ai là người đi cùng bà ấy và bà ấy có thể làm gì với mọi người trên máy bay", Yep nói và nhấn mạnh sự hiện diện của các hành khách khác biến đây trở thành tình huống "vô cùng mạo hiểm". 

Sau khi chuyến bay của hãng Cathay Pacific chở "Công chúa Huawei" từ Hong Kong, Trung Quốc, hạ cánh xuống Canada lúc 11h ngày 1/12/2018, các sĩ quan của CBSA đã xác nhận danh tính bà Mạnh trước khi dẫn "Công chúa Huawei" đi thẩm vấn. 

Yep cho biết anh không yêu cầu CBSA thực hiện việc kiểm tra bà Mạnh, cũng như không khai thác bất kỳ thông tin nào từ "Công chúa Huawei". 

"Chúng tôi để CBSA thực hiện đúng quy trình của họ", sĩ quan cảnh sát hoàng gia Canada nói. 

img

Bà Mạnh Vãn Chu (đi trước) tại sân bay ở thành phố Vancouver hôm 1/12/2018. Ảnh: Supreme Court of British Columbia

Sau cuộc kiểm tra của CBSA, Yep và một đồng nghiệp - đóng vai trò là người phiên dịch - bước vào căn phòng, nơi bà Mạnh đang ngồi một mình, và thi hành lệnh bắt giữ lúc 14h15. 

Theo mô tả của Yep, bà Mạnh "lúc đầu rất ngạc nhiên" nhưng sau đó khá hợp tác. Sau đó, Yep đọc các quyền điều lệ của bà Mạnh, bao gồm cả quyền được luật sư bảo vệ, và nói rằng "Công chúa Huawei" có thể liên hệ với lãnh sự quán Trung Quốc tại Canada. 

Bà Mạnh cố gọi cho một luật sư của Huawei ở Trung Quốc, sau đó bị còng tay. "Công chúa Huawei" được chuyển đến biệt đội RCMP để tiếp tục quá trình bắt giữ. 

Yep cho biết đã cố gắng hỗ trợ bà Mạnh bằng cách gọi điện đến đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa. Nhưng người đàn ông trả lời điện thoại ở đó nói rằng văn phòng đã đóng cửa và sẽ gọi lại vào 9h sáng thứ 2. 

Sĩ quan cảnh sát của RCMP nói anh không chia sẻ thông tin nào thu được từ bà Mạnh với giới chức Mỹ và các đồng nghiệp của anh cũng vậy. 

Trong quá trình kiểm tra chéo, Richard Peck, luật sư biện hộ cho bà Mạnh, hỏi Yep về việc có cho rằng việc bắt giữ "Công chúa Huawei" trên máy bay có thể không an toàn hay không. 

"Nếu có chuyện xảy ra, có thể là bà Mạnh phản kháng, chúng tôi sẽ dùng đến vũ lực. Chúng tôi không biết người đi cùng cô ấy là ai... vì vậy có thể chúng tôi sẽ phải dùng vũ lực cả với người này", Yep nói. 

Viên cảnh sát của RCMP nói rằng dù các sĩ quan thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ở Hong Kong báo rằng bà Mạnh đi cùng một phụ nữ, nhưng Yep lo ngại người phụ nữ đó có thể là vệ sĩ riêng. 

img

Bản sao giấy ủy quyền của Bộ Tư pháp Canada cho Tổng chưởng lý thành phố Vancouver để có lệnh bắt giữ "Công chúa Huawei. Ảnh: BC Supreme Court Exhibit

Một vấn đề quan trọng trong vụ "Công chúa Huawei" là việc bà Mạnh đang tìm mọi cách để không bị dẫn độ sang Mỹ. Luật sư của bà Mạnh nói cảnh sát hoàng gia Canada cố tình trì hoãn việc bắt giữ "Công chúa Huawei" trên máy bay và bị các sĩ quan của CBSA thẩm vấn trong 3 giờ.  

Điều này nhằm thu thập bằng chứng cho phía Mỹ và vi phạm các quyền điều lệ của bà Mạnh ở Canada, theo các luật sư của bà Mạnh. 

Phiên điều trần hôm 26/10 được tạm ngừng cho đến sáng 27/10 (giờ địa phương) khi Yep tiếp tục được kiểm tra chéo với luật sư. 

Các sĩ quan của CBSA, những người thẩm vấn bà Mạnh và thu giữ các thiết bị trước khi giao cho Yep, dự kiến được gọi làm nhân chứng cuối tuần này. 

Việc "Công chúa Huawei" bị bắt giữ làm rạn nứt mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và Canada. Bắc Kinh sau đó "trả đũa" bằng việc bắt giữ 2 công dân Canada với cáo buộc gián điệp.