Video: Sạt lở kinh hoàng ở mỏ khai thác ngọc tại Myanmar. Nguồn: Editorji
Tờ New York Times dẫn lời U Tin Soe, một quan chức Myanmar, cho hay, ít nhất 113 thợ mỏ thiệt mạng và hàng chục người khác mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng hôm 2/7 tại một mỏ khai thác ngọc ở thị trấn Hpakant, bang Kachin, miền bắc Myanmar. Bộ Thông tin Myanmar cũng xác nhận con số thiệt mạng tạm thời là 113, theo Tân Hoa xã.
Một trận mưa lớn đã dẫn tới vụ sạt lở kinh hoàng. Giới chức địa phương cho biết số người chết dự kiến còn tăng thêm.
Đống chất thải khai khoáng cao hơn 76 mét đã đổ sập xuống khu mỏ lộ thiên, nơi có một hồ nước hình thành từ những trận mưa gần đây, tạo ra một đợt sóng vô cùng lớn. Đợt sóng này cuốn phăng nhiều thợ mỏ xuống lớp bùn nhầy, khiến họ bị chết sặc, vị quan chức Myanmar nói.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mất tích và thu nhặt thi thể trong vụ sạt lở tại mỏ ngọc ở miền bắc Myanmar hôm 2/7. Ảnh: Getty
Video về vụ sập cho thấy con sóng lớn cuốn phăng các thợ mỏ. Hình ảnh tại hiện trường cho thấy thi thể của hơn 30 thợ mỏ được xếp thành hàng và nhiều người đàn ông đứng cạnh.
"Ít nhất 200 người có thể sẽ thiệt mạng trong vụ sạt lở. Chúng tôi đang làm việc khẩn trương để cứu hộ và thu nhặt thi thể các nạn nhân", U Kyaw Min, quan chức quận Wai Khar, nói.
Một số hình ảnh tại hiện trường vụ sạt lở ở Myanmar. Ảnh: Sputnik/Twitter
Ông Min cho biết thêm, mưa lớn đang cản trở nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ. "Chúng tôi không thể vào sâu hơn để giải cứu nạn nhân mắc kẹt. Cả nhóm chỉ có thể thu thập các thi thể trôi nổi. Ngoài ra, việc đưa các nạn nhân tới bệnh viện cũng gặp khó khăn vì các đoạn đường quá lầy lội do mưa lớn", ông Min cho hay.
Sự cố sập hầm mỏ thường xuyên xảy ra ở khu vực khai thác ngọc thuộc bang Kachin, Myanmar. Năm 2019, hơn 50 người chết trong một vụ sập mỏ. Trước đó 4 năm, một vụ sập mỏ khác ở khu vực này cũng khiến ít nhất 120 người bị chôn vùi.
Kachin là bang phía bắc Myanmar và giáp với Trung Quốc và Ấn Độ. Bang Kachin, nơi giàu khoáng sản, được cho là khu vực thường xuyên xảy ra đụng độ giữa quân đội Myamar và nhóm nổi dậy. Tuy nhiên, phần lớn khu vực có mỏ khai thác ngọc thuộc quyền kiểm soát của chính phủ.