Bão số 9 đổ bộ vào Việt Nam (ảnh: NASA)
Bà Le Thi Lai đứng nhìn ngôi nhà bị bão thổi bay mất mái hồi lâu. Ngôi nhà này do bà và người chồng 51 tuổi vừa mới xây dựng nhưng giờ nhìn thấy cả bầu trời âm u khi mái lợp không còn.
“Chúng tôi đang dọn dẹp nhà của mình. Đây là một cơn bão lớn. Trận lũ vừa rồi khiến tôi mất khoảng 1 tấn thóc và 70 con gà”, bà Lai than thở.
Bão số 9 – tên quốc tế là Molave – đã đổ bộ vào Việt Nam hôm 28.10. Ít nhất 2 người đã thiệt mạng khi bão tấn công với sức gió có lúc lên tới 150km/giờ.
Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong vòng 20 năm trở lại đây. Dù đã sống ở Thừa Thiên Huế hàng chục năm qua, nhưng bà Lai nói rằng mình chưa bao giờ thấy cơn bão nào mạnh như thế này.
Tháng 10 vừa qua, Việt Nam vừa hứng chịu đợt lũ lịch sử, gây nhiều thiệt hại cả về người và của.
Ở một số tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 9, các trường học đã phải đóng cửa và người dân được khuyến cáo không nên ra ngoài, chú ý lắng nghe những tin tức cập nhật mới nhất về tình hình mưa bão.
Người dân di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn (ảnh: SCMP)
Bão số 9 được so sánh với cơn bão Damrey đổ bộ vào Việt Nam năm 2017 khiến 123 người thiệt mạng và thiệt hại kinh tế khoảng 1 tỷ USD.
Trước khi tấn công Việt Nam, bão số 9 khiến ít nhất 9 người thiệt mạng ở Philippines và cảnh tan hoang ở nơi nó quét qua.
Nhưng ở Việt Nam, người dân rất kiên cường và giàu lòng nhân ái. Người dân cả nước Việt Nam đang thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ đối với “khúc ruột” miền Trung.
Chính phủ và những người nổi tiếng vào cuộc, kêu gọi quyên góp tiền, thuốc men và quần áo cho những khu vực bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt.
Facebook – nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam – hiện tràn ngập những thông tin về tình hình bão số 9.
Người dân bày tỏ sự chia sẻ đối với đồng bào miền Trung. Nhiều quỹ, nhóm từ thiện được thành lập và tham gia cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, cứu trợ thiên tai.
Nguyen The Anh, 33 tuổi, nhân viên kinh doanh ở một công ty xuất nhập khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh, đang gom góp quần áo cũ để gửi tới Quảng Bình – một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai.
“Quần áo, đồ đạc của nhiều người ở Quảng Bình đều ẩm ướt hoặc bị lũ cuốn trôi. Quê tôi cũng ở Quảng Bình. Trước kia, gia đình tôi thường phải trú nhờ nhà hàng xóm hoặc nơi nào đó mỗi khi bão về. Chúng tôi đã tiết kiệm và xây nhà mới ở nền đất cao hơn nhưng quê tôi vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn”, anh The Anh chia sẻ.
Người dân Việt Nam chung tay ủng hộ đồng bảo bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, bão (ảnh: SCMP)
Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là bão. Kiên cường và tình nhân ái trong thiên tai từ lâu đã là truyền thống của người Việt Nam.
Tuy nhiên, Marc Goichot – chuyên gia địa lý, khí tượng tại Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) – cho rằng, biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ khiến tình hình lũ lụt, bão ở Việt Nam diễn biến phức tạp trong tương lai. Việt Nam cần có giải pháp ứng phó lâu dài, đặc biệt là nỗ lực bảo vệ môi trường tự nhiên.
“Chặt phá rừng đầu nguồn, xâm lấn rừng ngập mặn để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng là một trong những nguyên nhân chính khiến lũ lụt trở nên tồi tệ hơn”, ông Goichot nhận xét.