Bão số 9 (Molave) đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Nam đến Bình Định vào khoảng 12h trưa 28/10, với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. Sau hơn 6 giờ đổ bộ, hoàn lưu bão số 9 vẫn còn gây gió cấp 9, cấp 10, tại nơi tâm điểm ghi nhận sức gió đến cấp 11.
Theo báo cáo tổng hợp công tác ứng phó với cơn bão số 9 của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, tính đến 6 giờ ngày 29/10, đã có 2 người chết (Gia Lai 1, Quảng Nam 1), 26 thuyền viên đang mất tích trên biển. 55 người mất tích do sạt lở đất (Quảng Nam: 53 người ở Nam Trà My, 2 người ở Phước Sơn).
Bên cạnh đó, hàng ngàn ngôi nhà đã bị gió bão làm tốc mái, đổ tường; nhiều cây xanh bị gãy đổ, bật gốc…
Trong vòng hơn 1 thập kỉ qua Việt Nam đã hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp của những "siêu bão", "quái bão", cùng điểm lại những cơn bão từng càn quét qua nước ta:
"Bão quái vật" Haiyan năm 2013
Bão Haiyan, tên Phillippines là Yolanda (tiếng Việt là Hải Yến) với sức mạnh khủng khiếp nhất với tốc độ 295km/h, giật 360km/h. Sức mạnh của gió trong "bão quái vật" Haiyan tương đương với bão cấp 5 (theo thang của Mỹ).
Ngày 8/11/2013 siêu bão Haiyan quét qua khu vực miền trung Philippines khiến 6.300 người thiệt mạng, hơn 1.000 người mất tích và gần 4.1 triệu người bị mất nhà cửa. Ước tính thiệt hại do Haiyan gây ra gần 89.6 triệu peso (tương đương gần 2 tỷ USD).
Sau khi gây ra thảm họa ở Philippines, cơn bão "hủy diệt" Haiyan vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 14 trong năm 2013. Khi vào Biển Đông, siêu bão Haiyan mạnh cấp 17 và di chuyển rất nhanh.
Trước những cảnh báo về sức tàn phá của siêu bão Haiyan, nhiều tỉnh miền Trung đã lên phương án sơ tán dân. Nhưng sau đó, bão Haiyan đột ngột thay đổi hướng di chuyển.
Bão Haiyan có sức gió "hủy diệt" lên tới cấp 17
Thay vì đi vào Thanh Hóa, bão Haiyan đã đi lên phía Bắc, càn quét qua vùng biển các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và đổ bộ vào Hải Phòng- Quảng Ninh.
Sau khi tấn công Việt Nam, siêu bão Haiyan khiến 13 người chết và 81 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, cây cối gãy đổ hàng loạt.
"Thảm họa Chanchu" năm 2006 làm hơn 200 người mất tích
Vào ngày 13/5/2006, bão Chanchu tiến vào Biển Đông và được nhận định là một cơn bão cuồng phong. Hai ngày sau, sức gió của bão tăng từ cấp 10 lên 12, giật trên cấp 12.
Đến 10h ngày 15/5/2006, bão chuyển hướng Bắc và sau đó là Bắc Đông Bắc. 1h ngày 18/5/2006, bão đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Xác định cơn bão mạnh có hoàn lưu rộng hơn 29.000 phương tiện trên biển, trong đó khoảng 1.000 tàu đánh bắt xa bờ được kêu gọi về nơi trú ẩn. Nhiều tàu thuyền đã chạy vào neo đậu trong lòng chảo đảo Đông Sa để tránh cơn bão có thể di chuyển vào bờ.
Nhưng bão không đổ bộ đất liền mà quét trúng vùng trú ẩn của ngư dân đánh bắt xa bờ ở Bắc biển Đông.
Em Lại Hoàng Quang Sang ở thôn Bình Tịnh ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, bên căn hầm mẹ xây để trú bão, bố em cũng mất tích trong bão Chanchu lịch sử
Không đổ bộ đất liền, nhưng bão Chanchu đã nhấn chìm hơn 260 ngư dân miền Trung dưới lòng biển, chỉ 20 người được tìm thấy xác. Quảng Nam có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160 người.
"Cơn bão hung dữ" Xangsane năm 2006
Bão Xangsane là một cơn bão rất mạnh được hình thành từ vùng biển Philippines tháng 9/2016, khi vào Biển Đông được gọi là bão số 6. Bão đã ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, mà nhất là các tỉnh miền Trung.
Nhận thức được độ nguy hiểm của cơn bão này, tại miền Trung đã thực hiện cuộc "di dân kỷ lục" với khoảng 180.000 người dân đến gần 300.000 dân để tránh bão.
Ngày 1/10/2006, bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng, một phần Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế năm 2006, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, tức là từ 134 đến 149 km/h, giật trên cấp 13, thực chất thì sức gió của nó đạt cấp 15, cấp 16, đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh này.
"Cơn bão hung dữ" Xangsane đã làm 71 người thiệt mạng, hơn 500 người bị thương, thiệt hại trên 10 tỷ đồng.
"Quái bão” Mirinae năm 2016
Cơn bão Mirinae năm 2016 có lẽ đã in đậm trong kí ức người dân tại các tỉnh ven biển Bắc Bộ, nơi chịu những tác động, thiệt hại nặng nề nhất do cơn bão gây ra.
Đúng như tên gọi "quái bão", cơn bão này diễn biến cực kì phức tạp và khó lường trước lúc đổ bộ đã biến cơn bão Mirinae trở thành một trong những cơn bão khó dự báo trong những năm gần đây.
Cây đổ đè lên ô tô ở phố Trần Thánh Tông (Hà Nội) vì bão Mirinae
Bão Mirinae được hình thành từ vùng áp thấp lúc 10h sáng 26/7/2016. Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, chiều 27/7, bão đổ bộ uy hiếp khu vực Quảng Ninh đến Thái Bình nhưng một điều bất thường là cơn bão ngày càng dịch chuyển xuống phía Nam và hướng đến khu vực Nam Định đến Ninh Bình, và đột ngột dừng di chuyển cường độ mạnh lên cấp 9, giật cấp 11-13, quần thảo và tàn phá dữ dội ven biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa liên tục từ tối đến tận sáng ngày 28/7.
Sau khi bão Mirinae suy yếu vẫn tiếp tục tấn công các tỉnh khác thuộc Nam Đồng Bằng và thủ đô Hà Nội, gây thiệt hại nặng nề.
"Quái bão" Mirinae khiến 30 nhà đổ sập, 25.000 nhà khác tốc mái, quật đổ 17.000 cột điện, 2 người chết, 21 người bị thương.
Siêu bão Sơn Tinh năm 2012, đường đi lắt léo, di chuyển thần tốc
Bão Sơn Tinh, bão số 8 hay bão thần núi (tên do Việt Nam đặt), là cơn bão được hình thành ngày 23/10/2012 ngoài khơi Philippines. Khi bão Sơn Tinh vào Biển Đông có tốc độ di chuyển ban đầu rất nhanh lên tới 25 - 30km/h. Với vận tốc di chuyển, các chuyên gia khí tượng đánh giá, là “cơn bão nhanh nhất trong gần 10 năm qua”.
Bão Sơn Tinh gây mưa lớn cho các tỉnh từ Quảng Ninh – Quảng Bình.
Đường đi của bão Sơn Tinh năm 2012 rất lắt léo, ngày 26/10/2012, cơ quan khí tượng cảnh báo bão sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung (từ Quảng Bình tới Quảng Trị). Tuy nhiên, đến ngày 27/10/2012, khu vực đổ bộ của bão vẫn chưa thể xác định, đường đi thay đổi, cường độ bão tăng, có lúc đạt cấp 14 – cấp siêu bão.
Một ngày sau, bão quần thảo trên khu vực cách ven biển các tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình dưới 100km. Bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14 hoành hành suốt nhiều giờ. Sau đó bão di chuyển vòng lên phía bắc, tan ở ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh.
Các tỉnh thiệt hại nặng nề nhất là Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, nhiều người chết và mất tích, tháp truyền hình cao 180m, trị giá hàng hàng chục tỷ đồng ở TP Nam Định bị bão quật đổ. Thống kê thiệt hại do bão hơn 7.500 tỷ đồng.
"Cuồng phong" Damrey năm 2017
Ngày 4/11/2017, cơn bão có tên quốc tế là Damrey hay là bão số 12 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, trọng tâm là tỉnh Khánh Hòa, với sức gió cấp 12, giật cấp 15. Với cấp độ trên, bão Damrey đạt cấp cuồng phong (hay còn gọi là bão rất mạnh).
Damrey là một cơn bão mạnh và đặc biệt, khi đi vào biển Đông, bão được tiếp thêm năng lượng nên mạnh thêm. Đồng thời, đây là cơn bão có tốc độ đi khá nhanh, trong khi thời gian suy yếu lại chậm, giảm cấp gió từ từ nên thời gian hoành hành trên đất liền nhiều hơn các cơn bão khác.
Những cơn gió của cấp độ cuồng phong đã làm nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng.
Trong 9 tiếng hoành hành, bão đã gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên, khiến 106 người chết và 25 người mất tích. Mưa bão cũng làm sập trên 1.300 ngôi nhà, gần 115.000 nhà tốc mái, hư hại; gần 1.300 tàu cá bị chìm, hư hỏng.
Bão Doksuri năm 2017
Hình thành trên Biển Đông chỉ mạnh cấp 8 nhưng khi tiến gần hơn về vùng biển nước ta, bão Doksuri mạnh lên “thần kỳ” và di chuyển với tốc độ thần tốc hơn, 20-25km/h. Bão tăng liền 3 cấp, mạnh lên cấp 12, gió giật cấp 15.
Áp sát đất liền đến gần trưa 15/9/2017, bão Doksuri đổ bộ vào khu vực giáp ranh Hà Tĩnh – Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 12 (135 km/h), giật cấp 14-15.
Sóng dâng cao 4-5m tại bãi biển Thịnh Long, Nam Định
Bão làm 6 người chết, 37 người bị thương; hơn 800 nhà sập, hơn 190.000 nhà bị hư hỏng, 2 cột truyền hình và 2.855 cột điện gãy đổ. Tổng thiệt hại ước tính hơn 11.000 tỷ đồng.
Đây là cơn bão đầu tiên ở Việt Nam được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương đưa ra mức cảnh cấp độ 4 (màu đỏ), tiệm cận mức thảm họa (cấp độ 5).